Theo WHO, Chiến dịch Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2023 nhằm mục đích nâng cao nhận thức về sản xuất cây trồng thay thế cây thuốc lá và khuyến khích nông dân trồng cây thuốc lá chuyển sang trồng các loại cây bền vững, có lợi cho sức khỏe. Những loại cây trồng này sẽ nuôi sống gia đình họ và hàng triệu người khác trên phạm vi toàn cầu, giúp họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn nợ nần chồng chất bởi việc trồng thuốc lá và giúp họ có một môi trường lành mạnh hơn.
Chiến dịch cũng nhằm nâng cao nhận thức về cách ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào nỗ lực thay thế việc trồng cây thuốc lá bằng cây trồng bền vững, làm gia tăng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Trồng, sản xuất thuốc lá làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực
WHO cho biết, tính đến tháng 11/2022, hơn 125 quốc gia trồng cây thuốc lá như một loại cây công nghiệp, trên diện tích ước tính là 4 triệu ha, lớn hơn diện tích của đất nước Rwanda. Tác hại của thuốc lá đối với môi trường rất rõ ràng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng gia tăng do xung đột và chiến tranh, những cú sốc khí hậu cũng như các tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19. Những nguyên nhân như lựa chọn cây trồng cũng có tác động đến cuộc khủng hoảng này và việc trồng cây thuốc lá có thể làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực.
Điều này được WHO chỉ rõ, trên toàn cầu, khoảng 3,5 triệu ha đất được chuyển đổi để trồng thuốc lá mỗi năm và có khoảng 200.000 héc ta rừng trên thế giới đã bị chặt phá để lấy đất trồng thuốc lá hàng năm.
Ngoài ra, trồng thuốc lá sử dụng nhiều tài nguyên và đòi hỏi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, từ đó làm nghiêm trọng thêm tình trạng suy thoái đất.
Đồng thời, đất được sử dụng để trồng thuốc lá sau đó khó có khả năng trồng các loại cây trồng khác, chẳng hạn như cây lương thực, vì thuốc lá làm mất đi độ phì nhiêu của đất.
Bên cạnh đó, so với các hoạt động nông nghiệp khác như trồng ngô và chăn thả gia súc, việc trồng cây thuốc lá có tác động phá hủy hệ sinh thái nhiều hơn vì đất trồng thuốc lá dễ bị sa mạc hóa hơn.
Đất canh tác và nguồn nước vốn khan hiếm đang được sử dụng để trồng thuốc lá, với hàng nghìn ha rừng bị phá hủy để lấy đất sản xuất thuốc lá và làm nhiên liệu để chữa bệnh cần sử dụng lá thuốc. Do đó, đất đai màu mỡ đang bị phá hủy và không thể sử dụng để trồng các loại cây lương thực cần thiết.
WHO khẳng định, dù lợi nhuận thu được từ cây thuốc lá mang lại lớn như thế nào cũng không thể bù đắp được thiệt hại đối với sản xuất lương thực bền vững ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong bối cảnh đó, cần phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế trồng cây thuốc lá và giúp nông dân chuyển sang trồng các loại cây lương thực thay thế.
Hỗ trợ tạo sinh kế thay thế
Tại nhiều quốc gia, nơi sản xuất và trồng thuốc lá là hệ quả tất yếu, vấn đề sinh kế thường trở thành trở ngại cho việc thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả.
Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc Xúc tiến Y tế của WHO cho biết: “Ngành công nghiệp thuốc lá đang tạo ra các nhóm “bình phong” để vận động hành lang chống lại những thay đổi chính sách nhằm giảm nhu cầu về thuốc lá. Chúng ta cần bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của nông dân và gia đình họ, không chỉ trước tác hại của việc trồng cây thuốc lá mà còn trước sự bóc lột sinh kế của họ bởi ngành công nghiệp thuốc lá”.
WHO nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp thuốc lá thường tự quảng cáo là ngành hỗ trợ sinh kế cho nông dân trồng thuốc lá. Điều này khác xa với sự thật. Việc xử lý nhiều thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại trong quá trình canh tác thuốc lá đã khiến nhiều nông dân và gia đình của họ hứng chịu bệnh tật. Hơn nữa, các thỏa thuận không công bằng giữa nông dân với các công ty thuốc lá khiến người nông dân trở nên nghèo khó, và trẻ em tham gia vào việc trồng thuốc lá gặp cản trở về quyền được giáo dục và vi phạm nhân quyền”.
Đáng chú ý, 9 trong số 10 quốc gia trồng thuốc lá lớn nhất là các nước có thu nhập thấp và trung bình và trong đó có 4 quốc gia là những nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực. Do vậy, đất để trồng thuốc lá cần được sử dụng hiệu quả hơn để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 2 của Liên Hợp Quốc: Không còn nạn đói.
Chiến dịch Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2023 kêu gọi các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật, xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp, đồng thời tạo điều kiện thị trường cho nông dân trồng thuốc lá chuyển sang trồng cây lương thực để mang lại cuộc sống tốt hơn cho họ và gia đình.
Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá đưa ra các nguyên tắc và lựa chọn chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy các lựa chọn thay thế khả thi về mặt kinh tế cho người lao động, người trồng và người bán thuốc lá (được nêu trong Điều 17) và tăng cường bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân (Điều 18). WHO cho rằng các quốc gia cần tăng cường thực thi các điều khoản này.
Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2023 sẽ là cơ hội để huy động các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang cây trồng bền vững thông qua việc tạo ra hệ sinh thái thị trường cho các loại cây trồng thay thế và khuyến khích ít nhất 10.000 nông dân trên toàn cầu cam kết từ bỏ trồng thuốc lá.