(NLĐO) – Một số vật thể trong hệ Mặt Trời có quỹ đạo nghiêng ngả bất thường, thậm chí quay ngược. Các nhà khoa học vừa tìm ra lý do.
Theo Sci-News, một nghiên cứu mới chỉ ra hệ Mặt Trời hàng tỉ năm trước đã tiếp xúc gần với một hệ sao khác giống hệt.
Giống như những cảnh phim giả tưởng về một người đụng độ phiên bản giống hệt của mình ở thế giới song song, nhiều sự hỗn loạn đã xảy ra.
Nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Susanne Pfalzner từ Trung tâm nghiên cứu Jülich (Đức) đã nghiên cứu về các vật thể cư trú ở vùng xa xôi nhất của hệ Mặt Trời, bên ngoài quỹ đạo của hành tinh thứ 8 là Sao Hải Vương.
Có khoảng 3.000 vật thể bên ngoài Sao Hải Vương từng được biết đến.
Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết chúng đều di chuyển trên quỹ đạo lệch tâm và nghiêng. Có cái còn quay ngược chiều với hầu hết các vật thể khác trong hệ Mặt Trời.
Đó là hiện tượng bất thường bởi các vật thể lớn nhỏ thuộc một hệ sao, từ hành tinh, hành tinh lùn cho đến tiểu hành tinh…, về mặt lý thuyết phải có sự tương đồng nhất định.
Tình huống khả dĩ nhất là có một cái gì đó đã tác động đến quỹ đạo của các vật thể nói trên. Vì các vật thể bất thường tập trung ở khu vực ngoài rìa hệ Mặt Trời nên các nhà nghiên cứu tin rằng sự xáo trộn này là do có vật đã bay quá gần chúng ta.
Một loạt mô phỏng được thiết lập, chỉ ra kịch bản hợp lý nhất: Hàng tỉ năm trước, khi hệ Mặt Trời còn rất trẻ, có một ngôi sao có khối lượng bằng ít nhất 0,8 lần nó – có thể mang theo các hành tinh – đã bay ngang qua với khoảng cách chỉ 110 đơn vị thiên văn (AU), tức 16,5 tỉ km.
Một AU bằng với khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất. Đối với cả một hệ sao, việc lướt qua nhau với khoảng cách chỉ 110 AU là quá gần.
Nhưng phải gần như thế mới đủ để khiến một số vật thể bị xáo trộn quỹ đạo đến nỗi chuyển động gần như vuông góc với quỹ đạo của các hành tinh.
Thậm chí một vài vật thể như 2008 KV42 và 2011 KT19 còn quay ngược chiều với các hành tinh.
Cú bay gần của hệ sao rất giống với hệ sao của chúng ta đó cũng đẩy một số vật thể bên ngoài Sao Hải Vương về phía các hành tinh.
Kết quả là một số hành tinh ngoài cùng đã có thêm một số mặt trăng, hầu hết đều méo mó, có quỹ đạo xa, nghiêng ngả và lệch tâm.
Điều này có thể giải thích tại sao các hành tinh bên ngoài của hệ Mặt Trời thường có đến 2 loại mặt trăng khác nhau, một loại giống như vệ tinh mang tên Mặt Trăng của Trái Đất, loại thứ 2 chính là những mặt trăng khác thường nói trên.
Ít nhất 140 triệu ngôi sao giống Mặt trời trong thiên hà Milky Way của chúng ta đã chịu tình cảnh tương tự.
Nguồn: https://nld.com.vn/he-mat-troi-dao-lon-vi-dung-do-the-gioi-song-song-196240912093917716.htm