(ĐCSVN) – Bài giảng đại chúng của các chuyên gia với nội dung: “Động đất, sóng thần: Nguy cơ và cách ứng phó, kinh nghiệm dành cho Việt Nam” tập trung vào các nội dung báo cáo, trao đổi kiến thức, cập nhật thông tin quan trọng và đóng góp thiết thực vào công tác tuyên truyền, ứng phó, phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu phát biểu tại sự kiện. Ảnh: TL |
Sáng 9/12, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin – Tư liệu phối hợp với Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Bài giảng đại chúng với nội dung: “Động đất, sóng thần: Nguy cơ và cách ứng phó, kinh nghiệm dành cho Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu cho biết, động đất và sóng thần là những hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với con người và môi trường. Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất hiện động đất ở mức độ trung bình, độ lớn từ 5-6 và chiều hướng tăng dần vể tần suất. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần trực thuộc Viện Vật lý địa cầu được thành lập theo quyết định số 1798/QĐ-KHCNVN ngày 4/9/2007 của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhằm triển khai quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần được ban hành theo quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về công tác theo dõi, thu thập, xử lý thông tin, ra các thông báo về động đất, cảnh báo sóng thần và chuyển các tin đó đến các cơ quan nhà nước có liên quan để phục vụ công tác phòng tránh, cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.
Do đó, Bài giảng đại chúng này sẽ tập trung vào các nội dung báo cáo để trao đổi kiến thức, cập nhật thông tin quan trọng và đóng góp thiết thực vào công tác tuyên truyền, ứng phó, phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần tại Việt Nam.
Chia sẻ những điều cần biết về động đất và sóng thần, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, động đất là hiện tượng nền đất đang rung động nhẹ trở nên chấn động mạnh dữ dội do sự dịch chuyển đột ngột của các lớp đất đá bên dưới bề mặt Trái Đất gây ra. Sự dịch chuyển đột ngột dọc theo các đứt gẫy địa chất trong các lớp rắn và cứng của vỏ trái đất tạo ra các trận động đất kiến tạo. Các chấn tâm động đất thường tập trung trên những đới hẹp và kéo dài gọi là các vành đai động đất. Ba vành đai động đất lớn nhất hành tinh là vành đai Thái Bình Dương, vành đai Địa Trung Hải – Hymalaya và kéo dài theo dải núi ngầm từ Bắc Băng Dương, qua Đại Tây Dương, xa mãi về phía Nam.
Còn sóng thần là một chuỗi các đợt sóng lớn có bước sóng dài sinh ra do các biến động địa chất mạnh mẽ xảy ra ở đáy biển. Khi sự di chuyển đột ngột của các cột nước lớn xảy ra, hoặc đáy biển đột ngột nâng lên hay hạ xuống do tác động của động đất, sóng thần được hình thành dưới tác động của trọng lực. Các đợt sóng nhanh chóng lan truyền trong môi trường nước và trở nên vô cùng nguy hiểm với khả năng tàn phá lớn khi chúng tiến vào bờ biển nông.
Đánh giá công tác tuyên truyền, ứng phó, phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần tại Việt Nam, Tiến sỹ Bùi Nhị Nhung, nghiên cứu viên chính Viện Vật lý Địa cầu cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp quản lý đến cơ quan chuyên môn, hệ thống thông tin truyền thông, các cơ quan liên quan, công tác tuyên truyền ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất ở Việt Nam đã được thực hiện kịp thời đáp ứng tình hình thực tế. Đồng thời, qua các hội thảo từ các cấp, các buổi tọa đàm trực tiếp đến người dân có thể thấy sự như nâng lên đáng kể nhận thức của cộng đồng đến loại hình thiên tai này cũng như kỹ năng ứng phó với chúng; giúp người dân tại các địa phương vùng tâm chấn ổn định tâm lý, kịp thời an dân.
Để nâng cao kỹ năng ứng phó với động đất, Tiến sỹ Bùi Nhị Nhung đề xuất các bộ ngành liên quan cần sớm thêm các tài liệu tuyên truyền phù hợp với những khu vực vùng sâu, vùng xa, đáp ứng tình hình thực tiễn. Đồng thời, chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng: diễn tập, lồng ghép, tích hợp kiến thức, kỹ năng ứng phó động đất, đưa vào chương trình giáo dục, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục…
Tại sự kiện, các đại biểu tham dự được nghe về một số nội dung như: Độ nguy hiểm động đất và sóng thần trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động quan trắc, xử lý và báo tin động đất, sóng thần tại Việt Nam…qua đó, các đại biểu trao đổi, đề xuất một số phương án khai thác, vận hành, bảo vệ an toàn các công trình lớn: Hồ chứa thủy điện, thủy lợi, hệ thống lưới điện quốc gia, hệ thống giao thông….Bảo đảm khi động đất, nếu có sự cố xảy ra thì ở mức độ thiệt hại thấp nhất và khả năng khắc phục nhanh nhất, nhằm khôi phục các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, xã hội./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/chia-se-kien-thuc-phong-tranh-thiet-hai-khi-xay-ra-dong-dat-song-than-685910.html