Điều bất ngờ nhất, thậm chí đáng ngạc nhiên về sự sụp đổ quyền lực của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria là tất cả chỉ diễn ra trong 11 ngày.
Thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Abu Mohammad al-Jolani phát biểu với những người ủng hộ tại Damascus. (Nguồn: Getty Images) |
Điều gì đã dẫn tới cơn địa chấn này ở Trung Đông? Câu chuyện được bắt đầu vào ngày 27/11, khi lực lượng Hayat Tahrir al-Sham do Thủ lĩnh Abu Mohammad al-Jolani lãnh đạo bắt đầu cuộc tấn công từ tỉnh Idlib. Đến ngày 8/12, họ đã chiếm được thủ đô Damascus. Tổng thống Bashar al-Assad đã bỏ chạy và tuyên bố chuyển giao quyền lực cho lực lượng Hayat Tahrir al – Sham. Nhà bình luận chính trị của hãng truyền thông quốc tế Kazinform của Kazakhstan đã đưa ra một số nhận định về nguyên nhân tại sao một chế độ cứng rắn do một nhà lãnh đạo rất quyết đoán đứng đầu, lại sụp đổ nhanh chóng như vậy.
Sự sụp đổ nhanh chóng
Rõ ràng, sự sụp đổ của một chế độ đã kéo dài trong suốt cuộc nội chiến ở Syria kể từ năm 2011 không thể không gây bất ngờ. Hơn nữa, điều này đã xảy ra ngay cả trước khi Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất từ Iran và Nga từ giữa những năm 2010. Vì vậy, câu hỏi mấu chốt khiến mọi người lo lắng hiện nay là chuyện gì đã xảy ra chỉ trong vòng 11 ngày? Tại sao một chế độ cứng rắn do một nhà lãnh đạo rất quyết đoán đứng đầu lại sụp đổ nhanh chóng như vậy?
Có rất nhiều lý do để lý giải việc này, một trong số đó có thể là thuyết âm mưu. Trước hết, đó là Nga đang có xung đột với Ukraine và do đó không thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho chính quyền Syria. Điều đáng chú ý là do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles đối với các tàu quân sự Nga. Theo đó, ngay cả khi Moscow quyết định gửi một số quân tới Syria thì cũng sẽ không thành công. Trong nửa sau những năm 2010, tàu đổ bộ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa cho Syria. Nhưng sau tháng 2/2022, chúng bị chặn ở Biển Đen.
Sự kiện quan trọng thứ hai là sự thất bại thực sự của Hezbollah ở Lebanon trong cuộc đối đầu với Israel. Phong trào người Shiite ở Lebanon là nhân tố quan trọng nhất hỗ trợ quân đội của Assad trong suốt cuộc chiến ở Syria. Mặc dù, có vẻ như việc ký kết thỏa thuận hòa bình giữa Lebanon, Israel và Hezbollah vào ngày 26/11 lẽ ra đã giải phóng một số lượng đáng kể các chiến binh khỏi tổ chức này.
Về mặt lý thuyết, chúng có thể được sử dụng để bảo vệ Tổng thống Assad. Nhưng điều này đã không xảy ra. Tất nhiên, cái chết của nhiều thủ lĩnh chủ chốt của Hezbollah, trong đó có thủ lĩnh Hassan Nasrallah, đóng một vai trò nào đó. Ngoài ra, hàng trăm chỉ huy cấp trung đã thiệt mạng và bị thương trong chiến dịch ném bom máy nhắn tin của Israel gần đây.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến sự thụ động của Hezbollah rất có thể là do những thay đổi nghiêm trọng trong chính sách của Iran. Tehran thực sự đã từ bỏ các kế hoạch trước đây liên quan đến Israel khi nước này không ủng hộ Hezbollah và ở một mức độ nào đó là người Palestine từ Hamas.
Tất cả các tổ chức này đều thuộc các nhóm ủy nhiệm thân Iran, cùng với các tổ chức của người Shiite ở Iraq và Yemen, và là một phần của “Trục kháng chiến”. Trong những năm gần đây, Iran đã tích cực hỗ trợ họ cả tiền bạc và vũ khí. Tất cả những điều này đều nhằm mục đích chống lại Israel, được thực hiện bởi đơn vị Lực lượng Al-Quds (Jerusalem) thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo.
Nhưng cuối cùng mệnh lệnh đã không được đưa ra. Tiếp theo, ý nghĩa của việc theo đuổi chính sách trước đó đã bị mất đi một cách khách quan. Do đó, Iran không còn nhu cầu chi tiền và nguồn lực cho tất cả các nhóm ủy quyền của mình, ít nhất là ở quy mô trước đây. Rõ ràng là ngay cả Hezbollah cũng sẽ gặp khó khăn nếu không có tiền của Iran. Ảnh hưởng của nó trong cộng đồng người Shiite ở Lebanon dựa trên các chính sách xã hội tích cực thông qua nguồn tài trợ từ Iran.
Người dân ăn mừng tại Quảng trường Umayyad ở thủ đô Damascus vào ngày 8/12. (Nguồn: AFP) |
Yếu tố quyết định
Trên thực tế, rất có thể vấn đề tiền bạc, hay đúng hơn là thiếu tiền, đã trở thành yếu tố then chốt dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Assad. Ông phải duy trì một đội quân lớn để bao quát mọi mặt trận tiềm tàng của cuộc chiến này. Ông cần đảm bảo sự hiện diện quân sự ở nhiều thành trì, cũng như duy trì một bộ máy đàn áp hùng mạnh. Ngoài ra, cần phải hỗ trợ những người ủng hộ nó bằng cách cung cấp cho họ những vị trí trong bộ máy chính phủ và trả các phúc lợi.
Đồng thời, ông Assad mất các tỉnh chứa dầu ngoài sông Euphrates, gần 7 triệu người trở thành người tị nạn và nền kinh tế bị phá hủy trong cuộc nội chiến. Vì vậy, ông Assad phụ thuộc vào Iran và Nga về tài chính. Trong khi cả Tehran và Moscow cũng đang gặp khó khăn về kinh phí và không thể giúp ông Assad với số lượng tương tự. Ngoài ra, Iran không thấy có ích gì khi hỗ trợ Assad nhiều tiền trong tình huống ông ta đang điều động và cố gắng không tham gia vào cuộc đối đầu với Israel.
Kết quả là, những cam kết lớn đã làm suy yếu khả năng của Assad. Quân đội bây giờ bao gồm những người lính nghĩa vụ nhận được 15 USD một tháng. Nhưng quan trọng nhất là quân đội không có động lực. Khi cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 27/11 từ tỉnh Idlib, lực lượng phòng thủ bắt đầu tan rã. Sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho sự tiến bộ của thành phần quan trọng nhất của chiến tranh hiện đại – máy bay không người lái – cũng đóng một vai trò nào đó. Về mặt lý thuyết, chỉ có Ankara mới có thể cung cấp vũ khí như vậy cho quân nổi dậy.
Đồng thời, các lực lượng chống ông Assad khác trở nên tích cực hơn. Người Kurd tấn công các thành phố ở phía đông, Druze và dân quân địa phương chiếm đóng các tỉnh ở phía nam, và các bộ lạc Ảrập nổi lên từ sa mạc Syria. Đơn giản là Assad không có đủ quân đội đặc biệt được huấn luyện và động viên cho tất cả các lĩnh vực này.
Tất nhiên, câu hỏi đặt ra là mọi thứ đã được phối hợp ở mức độ nào. Ít nhất, kết luận cho thấy rằng toàn bộ cuộc tấn công nhằm mục đích tận dụng thời gian còn lại trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, trong khi người Mỹ chưa sẵn sàng hành động tích cực. Mặc dù các phương tiện truyền thông Ảrập Saudi đưa tin rằng máy bay Mỹ được cho là đã ném bom những người Shiite ở Iraq, những người đã đến giúp đỡ chính quyền Tổng thống Assad.
Mặc dù Tehran tuyên bố ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad và cho biết họ đang xem xét khả năng hỗ trợ quân sự. Mặc dù, rất có thể, việc này được thực hiện theo thứ tự, nói một cách tương đối, để không bị mất mặt.
Trong tình hình này, điều đáng chú ý là tuyên bố ngày 7/12 tại Qatar của đại diện ba nước – những nước bảo lãnh cho thể thức Astana là Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham gia của năm nước Ảrập khác là Ai Cập, Jordan, Iraq, Qatar và Saudi Arabia. Họ cho rằng tất cả các bên phải cố gắng tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Tuyên bố như vậy có thể được diễn giải theo nhiều hình thức khác nhau, nhưng những người tham gia đã nhất trí rõ ràng về lập trường của họ đối với Syria sau ông Assad, bởi vì vào ngày 7/12, họ có thể đã biết chính xác mọi thứ sẽ kết thúc như thế nào ở Damascus.
Câu hỏi quan trọng hiện nay là điều gì sẽ xảy ra ở Syria khi lực lượng tấn công chính là lực lượng Hayat Tahrir al-Sham, vốn được Mỹ coi là “khủng bố”. Liệu có thể nói về lịch sử lặp lại với Taliban ở Afghanistan hay liệu các thế lực bên ngoài, đặc biệt là các nước láng giềng, có thể tránh được viễn cảnh không mong muốn như vậy?
Nguồn: https://baoquocte.vn/lieu-syria-co-lap-lai-lich-su-cua-afghanistan-296800.html