(NLĐO) – Những dòng chữ có thể thuộc về một ngôn ngữ thất truyền hàng ngàn năm trước đã được tìm thấy trên tấm bia đá ở Georgia.
Viết trên tạp chí khoa học Journal of Ancient History and Archaeology, các nhà khoa học Georgia cho hay tấm bia đã mang ngôn ngữ bí ẩn đã được tìm thấy dưới đáy hồ Bashplemi ở TP Manisi – Georgia.
Tấm bia đá có kích thước 24,1 x 20,1 cm và được làm từ đá bazan có nguồn gốc tại địa phương, theo Heritage Daily.
Trên tấm bia có 60 ký hiệu hoặc ký tự, trong đó có 39 ký hiệu hoặc ký tự khác nhau, dường như được viết từ trên xuống dưới thành 7 cột dọc, nhưng chưa rõ cần đọc từ phía nào.
Quan trọng hơn, thứ ngôn ngữ được viết trên bia không trùng khớp với bất kỳ ngôn ngữ nào đã biết.
Nó được các nhà khảo cổ tạm gọi là “chữ khắc Bashplemi”, theo tên hồ nước nơi bia đá lộ ra.
Chữ khắc Bashplemi thực ra bao gồm các ký hiệu khá giống với các ký hiệu trong chữ viết vùng Trung Đông.
Mặc dù vậy, nó chứa cả những ký hiệu giống chữ của Ấn Độ, Ai Cập và Tây Iberia.
Một số ký hiệu trên tấm bia giống với tiếng Proto-Kartvelian, một ngôn ngữ được nói vào thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên, và một số ký hiệu khác giống với các con dấu được các quan chức ở Georgia sử dụng nhiều thế kỷ trước.
Sự pha trộn kỳ lạ này đã khiến các nhà khoa học bối rối.
Các chuyên gia cho rằng tấm bia này có thể có niên đại từ cuối thời đại đồ đồng hoặc đầu thời đại đồ sắt. Việc giám định niên đại cụ thể vẫn chưa được thực hiện.
Những người thợ thủ công thời xưa đã tạo nên chữ viết lạ lùng này với 2 bước: Trước tiên là dùng một mũi khoan nhọn để phác thảo các khía của chữ viết, sau đó sử dụng một công cụ có đầu tròn để làm mịn, bổ sung các hình dạng, đường nét và chấm phức tạp.
TS Giorgi Tsirekidze, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Kỹ thuật được sử dụng cho thấy trình độ kỹ năng và sự tinh tế vượt trội so với thời đại đó”.
Theo các tác giả nghiên cứu, chữ khắc Bashplemi có một số biểu tượng được lặp lại thường xuyên có thể tượng trưng cho chiến lợi phẩm quân sự, một dự án xây dựng quan trọng hoặc lễ vật dâng lên một vị thần.
Vì vậy, việc nghiên cứu thêm về nó hứa hẹn đem đến hiểu biết mới về một bộ tộc, một nhóm dân cư nào đó mà lịch sử đã bỏ sót.
Nguồn: https://nld.com.vn/bia-da-bi-an-duoi-day-ho-mang-ngon-ngu-khoa-hoc-chua-tung-biet-196241209114006915.htm