Siết chặt tuyển sinh sớm theo tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã đề xuất là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo đúng nguyên tắc về công bằng trong kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH).
Tuy nhiên, cần nhìn nhận đúng về xu thế tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở giáo dục. Chúng ta vẫn có thể thiết chặt với các phương thức tuyển sinh khác mà không nên bao gồm có phương thức xét qua học bạ.
Một chương trình đổi mới giáo dục cần phải đồng bộ ở cả 4 thành tố, đó là Mục tiêu – Nội dung – Phương pháp và Đánh giá người học. Riêng về đổi mới đánh giá người học, xu hướng hiện nay giáo dục đã chuyển từ đánh giá tổng kết, tức là coi trọng kết quả bài kiểm tra cuối cuối kỳ hay hết năm học, sang đánh giá quá trình học tập của học sinh.
Ưu điểm lớn nhất của quan điểm đánh giá chuyển đổi này là khuyến khích tinh thần người học, giúp họ thấy được sự tiến bộ của mình trong một thời gian, cả học kỳ hay nhiều học kỳ miệt mài học tập. Khi có thời gian theo dõi và kiểm nghiệm dài ngày, kết quả đánh giá cho ta chất lượng thực của người học chính xác hơn. Mặt khác, thi tuyển vào ĐH thực chất cũng là đánh giá người học, nhưng có khác là theo quy mô lớn hơn. Do vậy, tuyển sinh theo phương thức căn cứ vào học bạ cũng là xu hướng đánh giá theo quá trình với thời gian đủ dài của người học. Đây là xu thế tiến bộ, là phương thức đổi mới tuyển sinh của nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển. Tuyển sinh vào ĐH cũng cần đổi mới và đồng bộ với quan điểm đánh giá người học đã được thay mới trong giáo dục ở Việt Nam.
Không thể bỏ qua thực tế, trong nhiều năm qua xuất hiện một số tiêu cực ở trường phổ thông, hiện tượng “làm đẹp” học bạ. Làm sai lệch kết quả học tập thực chất là vụ lợi, nhằm dễ dàng trúng tuyển vào trường đại học, cao đẳng hàng năm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tin tưởng là làm hạn chế được những bất cập này.
Theo đó, các trường ĐH sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá đầu vào cho những học sinh đã trúng tuyển hoặc tiến hành so sánh đối chiếu điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Từ đó, có thể tìm được sự bất thường về điểm số và hoàn toàn phán đoán được về những học sinh không trung thực về học lực thực của bản thân. Theo đó, nhất trí cao về “thiết chặt 20%” tuyển sinh sớm của Bộ GDĐT đã đề xuất, bởi đây là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo đúng nguyên tắc về công bằng, trung thực trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Chúng ta vẫn có thể siết chặt với các phương thức tuyển sinh khác mà không nên bao gồm có phương thức xét qua học bạ.
Ngoài ra, với phương thức sử dụng kết quả điểm thi IELTS cũng nên xem xét lại. Chúng ta đã có chương trình học ngoại ngữ cấp quốc gia, trong đó có tiếng Anh. Thiết nghĩ, các nhà trường khi tổ chức dạy và học có chất lượng môn ngoại ngữ (không riêng môn tiếng Anh) và sẽ chọn ra được những học sinh đạt điểm cao để được tuyển sinh sớm. Học và thi IELTS rất tốn kém về kinh tế và làm tăng áp lực lên học sinh một thời gian dài. Trong khi mục đích chính học IELTS là nhằm du học, định cư hoặc làm việc ở các công ty đa quốc gia, nên chỉ coi đây là yếu tố cần khuyến khích người học mà không thể là một phương thức tuyển sinh. Nếu sử dụng kết quả IELTS cho tuyển sinh thì chỉ nên dành riêng cho những trường ĐH có đào tạo đặc thù.
Đối với thông báo những thí sinh được trúng tuyển qua tuyển sinh sớm, cần làm muộn hơn so với những năm trước. Một mặt để học sinh hoàn thành kế hoạch học tập, rèn luyện học kỳ II theo quy định của Bộ GDĐT, và mặt khác còn giữ được nề nếp các trường, tránh tình trạng rã đám, “chợ chiều”, thường xảy ra ở khối lớp 12.
Các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh, là đúng Luật. Tuy nhiên, Bộ GDĐT vẫn rất cần cập nhật và ban hành Thông tư quy chế tuyển sinh ĐH hàng năm, nhằm khép sự tự chủ tuyển sinh của các trường trong giới hạn nhất định; đảm bảo quyền lợi và sự công bằng của học sinh, đồng thời hỗ trợ và tác động tích cực cho giáo dục phổ thông phát triển.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nhin-nhan-dung-ve-xu-the-doi-moi-tuyen-sinh-10296119.html