Nấm vừa vào đến miệng thì đắng nghét nhưng không hiểu sao bao năm trời tôi vẫn mê cái vị đắng này đến lạ lùng.
3 ngày thì 5 trận mưa, có hôm ẩm ương vừa mưa vừa nắng. Dưới mái hiên, ba tôi ngồi bó gối nhìn trời: “Cả mấy tháng nắng nứt đất nứt đai, chừ mưa ri chắc có nấm tràm rồi bay ơi. Đứa mô đi săn nấm với ba?”. Mấy anh em tôi nhao nhao, đứa chạy tìm làn, đứa chạy lấy bịch, theo chân ba cho kịp.
Cháo nấm tràm |
THƯƠNG THƯƠNG |
Đồi rừng tràm cách nhà tôi chừng 1 km. Không chỉ chúng tôi, nhiều người lớn và con nít trong làng cũng vừa tới, ai cũng nhanh chân len vào từng vạt rừng, chăm chú tìm kiếm “lộc” dưới những đám lá tràm hay phía sau những hòn đá.
Anh em tôi dùng que củi nhỏ, dài, thoăn thoắt cào từ lớp lá tràm này đến lớp khác. Tôi òa lên sung sướng vì vạt nấm tràm mọc chen chúc lộ ra. Những tai nấm như cái ô màu tím. Loạt nấm búp thì nhỏ hơn, chỉ bằng khoảng ngón tay út hoặc hơn một chút nhưng thân phình to béo múp, núp dưới chiếc mũ nhỏ xíu tím rịm. Nếu tôi không hái chúng, tối nay chúng sẽ “uống” no sương đêm, những chiếc mũ sẽ nở ra, tròn xoe dưới màn sương mờ ảo. Thế nhưng, chẳng ai chờ cho tai nấm nở, nấm búp mới đúng loại cần. Tôi cẩn thận nhổ những cây nấm búp cho vào làn, nhặt thêm những tai nấm to còn tươi khỏe, phủ lại lớp lá tràm mỏng để những mầm nấm nhỏ xíu được tiếp tục mọc lên dưới tán lá, cũng là “lộc” cho những người tìm nấm sau.
Khoảng nửa buổi sáng, ba con tôi và lũ trẻ trong làng khệ nệ mang nấm về, vui như trẩy hội. Cả nhà xúm vào mỗi người một tay gọt sạch lớp đất sỏi ở chân nấm. Xong xuôi, mạ rửa đi rửa lại mấy lần rồi bắc nồi nấm lên bếp luộc. Nước trào cuồn cuộn, mạ hạ lửa rồi nhấc nồi nấm xuống đổ ra rá để ráo. Tôi phụ mạ giã hột nén, bỏ vào nồi phi với dầu ăn. Khi mùi thơm lừng lan ra gian bếp, mạ nhanh tay đổ nấm vào, thêm gia vị và đảo đều. Tôi đứng cạnh mạ, nuốt trọn từng mùi thơm lừng. Nước trong nồi nấm xào sệt lại thì mạ bắc xuống, để đó, rồi lại thoăn thoắt bắc chiếc nồi to đã có sẵn 2/3 nước lên bếp, cho vào hơn nửa lon gạo.
Ngọn lửa đượm cười lách cách không ngừng, mạ cũng cười, kể lại chuyện xưa. Ngày đó tôi ham tìm nấm đến nỗi quên gọi trâu về. Trâu bị lạc, tôi chạy về nước mắt từng dòng, mặt lấm lem đất sỏi. Tối đó cả nhà tôi đi khắp rừng tìm trâu. Đến tối muộn ba dắt được trâu về. Cả nhà ôm nhau khóc mừng vì “cơ nghiệp” vẫn còn đó. Suốt chiều chạy ngược chạy xuôi, mạ chẳng thiết nghĩ đến cơm nước nên bếp chẳng có gì ngoài thúng nấm tôi hái từ sáng. Mạ vừa tức vừa thương nên tỉ mẩn làm. Nồi cháo nấm “cứu đói” cả nhà tôi tối hôm đó. Chúng tôi ngồi quanh nồi cháo, vừa xì xụp ăn vừa nhìn nhau cười…
Nước sôi, hạt gạo chỉ vừa nở búp, mạ nhanh tay đổ nồi nấm vào, dùng muôi khuấy đều rồi cho ngò rí, hành lá đã cắt nhỏ vào cháo, bắc xuống bếp. Nồi cháo được đặt giữa chiếc mâm, nụ cười nối nụ cười.
Ban đầu vị đắng của nấm tràm làm tôi nhăn nhó nhưng hậu ngọt. Vậy là đắng ngọt cứ thế nối nhau trong miệng. Hồi còn nhỏ, ba mạ dặn ăn cháo nấm có đắng mấy cũng không nên uống nước. Tôi lì, uống liền vài hớp, miệng đắng nghét đến 10 lần, cả nhà phá lên cười. Có lẽ, những cảm giác thú vị đó khiến tôi “say”, bao mùa nấm trôi qua vẫn vậy. Một năm có một mùa nấm tràm, mỗi mùa vỏn vẹn khoảng 1 tháng, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống. “Lộc” rừng tràm ngắn ngủi nên mạ chiều lòng ba con tôi, mỗi ngày đều có một món cháo nấm: nấm tràm nấu cháo rau lang, cháo nấm tràm nấu tôm, nấm nấu thịt bằm… ăn hoài mà vẫn cứ vấn vương.