Cộng hưởng ấn tượng giữa gốm, sắp đặt và video art, triển lãm đương đại ‘Gốm Văn’ của nghệ sĩ Ngô Trọng Văn đã biến không gian Hội Mỹ thuật TP.HCM quen thuộc thành một trải nghiệm đa giác quan sống động, cuốn hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.
Sau hơn 3 năm cặm cụi say mê với đất, men và lửa, nghệ sĩ Ngô Trọng Văn vừa ra mắt Gốm Văntrong một không gian triển lãm đương đại thú vị tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Triển lãm trưng bày hơn 40 tác phẩm gốm (trong đó có 11 bộ tác phẩm) được sắp đặt chỉn chu, kết hợp trình chiếu video art của nghệ sĩ thị giác Kyuri Viễn, diễn ra đến hết ngày 13-12.
Gốm Văn của đam mê, giấc mơ và tình yêu
Tại buổi khai mạc, nghệ sĩ Ngô Trọng Văn không giấu được xúc động bởi với anh, triển lãm cá nhân Gốm Văn như một giấc mơ thành hiện thực.
Đây là thành quả xứng đáng cho hành trình sáng tạo đầy thăng trầm của một người từng thử sức, thất bại, rời đi và rồi trở lại đầy đam mê với tình yêu gốm.
Vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn vốn là sinh viên ngành gốm. Ra trường, anh muốn tìm lối đi riêng với gốm nhưng không thành, lại thêm nỗi lo cơm áo nên đành rẽ sang hướng khác.
Nhưng tình yêu gốm trong anh vẫn luôn đau đáu, rồi dần tái sinh khi ngày ngày nhìn thấy vợ – nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng vẫn bền bỉ nhào nặn, say sưa kiên trì để từng mẻ gốm nở hoa.
Vậy là từ năm 2014, anh trở lại với đất sét và lò nung, với những giấc mơ được thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm những tìm tòi mới và giãi bày hết thảy nội tâm cùng gốm.
Vì vậy, đến với Gốm Văn, người xem dễ dàng cảm nhận được tình yêu gửi gắm từ tác giả. Không chỉ bởi triển lãm có nhiều tạo tác mang hình hài trái tim, mà ở sự bộc bạch cảm xúc rất đỗi chân thành.
Đó là sự đồng điệu với những đề tài đậm chất sử thi về thiên nhiên, sự sống; sự dụng công sáng tạo với những cấu trúc tinh tế, khác biệt; sự chăm chút kỹ lưỡng từng tiểu tiết, những vệt nổ li ti của lửa lẫn với màu men, hay vẻ đẹp hỏa biến của từng lớp men trong ngoài hé lộ dưới những vệt nứt sau nhiều lần nung…
Những ai tìm hiểu về gốm hẳn có thể hình dung đằng sau đó là bao nhiêu tâm huyết, công phu và đam mê của người tạo tác.
Chỉ riêng việc khuân vác, bưng bê, xoay vần với đất để tạo nên những tác phẩm gốm lớn đã là thử thách nặng nề, chưa kể khâu tư duy tác phẩm đầy nhọc nhằn trí óc.
Kế đến là quá trình hồi hộp với lửa khi gốm vào lò nung. Bởi tạo hình tác phẩm của Ngô Trọng Văn rất phức tạp, độc đáo mà nói như vợ anh – nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng là rất “chênh vênh”.
Nung những tác phẩm lớn lại nhiều yếu tố sáng tạo “chênh vênh” như thế, rủi ro hư hỏng, nổ nứt càng nhiều. Nhưng bù lại, niềm vui từ một mẻ gốm thành công càng không gì so sánh được. Mỗi lúc gốm ra lò, hai vợ chồng lại cùng ngắm nghía trong sung sướng dâng tràn.
Vì vậy, Gốm Văn còn là kết tinh từ quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của một tâm hồn nghệ sĩ luôn truy cầu cái đẹp hoàn mỹ và sự thấu hiểu chính bản thân mình.
Lối đi riêng của một nghệ sĩ điêu khắc gốm
Ngô Trọng Văn từng tâm sự, với gốm, cảm xúc sáng tạo từ trái tim và khối óc được truyền thẳng qua đôi bàn tay nhào nặn, tạo nên sự kết nối đầy chân thực giữa đất và người.
Triết lý đó khiến anh luôn tập trung vào mối gắn kết sâu sắc giữa con người với tự nhiên, dần định hình nên phong cách gốm của Văn.
Gốm Văn không chỉ kể chuyện sáng tạo của người nghệ sĩ, mà còn ẩn chứa khát vọng tìm về nguồn cội, lắng nghe lời thì thầm của đất, của lửa, để kết nối và trân trọng từng mạch nguồn sự sống của mẹ thiên nhiên.
Xem triển lãm và dõi theo hành trình sáng tác kết hợp giữa tay nghề vững vàng, kỹ thuật gốm truyền thống với tư duy hiện đại và những ý niệm nghệ thuật của Ngô Trọng Văn, nhiều đồng nghiệp nhất trí anh xứng đáng được gọi là nghệ sĩ điêu khắc gốm.
Theo nhà điêu khắc, GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, Gốm Văn rất đẹp, đề tài đa dạng, thể hiện rõ cách tạo hình mới rất riêng của tác giả. Tác phẩm của Ngô Trọng Văn đã được nhiều giải thưởng, một số được sưu tầm và lưu giữ.
Những đề tài về con người, tình yêu, xã hội, đặc biệt là các tác phẩm về trái tim, mầm cây, biến đổi gene, biến đối khí hậu… trong Gốm Văn vừa bay bổng vừa thăng trầm, gợi nhiều suy ngẫm cho người xem và hướng đến chân thiện mỹ.
Còn theo họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt, trước nay nhiều người vẫn gắn gốm với các nghệ nhân và tính ứng dụng, nhưng với Gốm Văn, gốm đã mang hơi thở mới và tiếng nói của nghệ thuật.
Bằng tinh thần hết mình với nghề, Ngô Trọng Văn đã tìm được lối đi riêng với ngôn ngữ tạo hình và màu men đặc trưng. Điều này sẽ giúp anh còn tiến xa trong sự nghiệp với những hướng đi mới và tốt hơn nữa trong tương lai.
Đặc biệt, trưng bày gốm lần này không chỉ là bày biện tác phẩm, mà còn ẩn chứa thông điệp nghệ thuật gắn liền với giải pháp đương đại của các nghệ sĩ trẻ.
Sự kết hợp hài hòa giữa tác phẩm gốm với nghệ thuật sắp đặt, video art và cả mùi hương Petrichor khi mưa chạm vào mặt đất khô cằn… Tất cả tạo nên trải nghiệm đa giác quan mới mẻ, đưa người xem hòa vào dòng chảy kỳ diệu của Gốm Văn, của sáng tạo và tình yêu.
Một số hình ảnh tại triển lãm Gốm Văn:
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/di-xem-gom-van-20241208160148834.htm#content-6