(NLĐO) – Từ nơi cách Trái Đất 7,5 tỉ năm ánh sáng, cặp “rồng lửa vũ trụ” dài gấp 140 lần đường kính Ngân Hà chui ra từ một lỗ đen.
Từ nơi cách Trái Đất 7,5 tỉ năm ánh sáng, lỗ đen trung tâm của một thiên hà lớn đã phóng ra 2 luồng tia giống 2 con rồng lửa khổng lồ bay xuyên qua vũ trụ, là những luồng tia khủng khiếp nhất mà các nhà thiên văn học từng ghi nhận.
Theo Space.com, cặp “rồng lửa” dài tới 23 triệu năm ánh sáng, tức bằng 140 thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) xếp cạnh nhau.
Đó là một cặp tia đối xứng, phun ra vuông góc với mặt phẳng thiên hà, từ hai bên của lỗ đen.
Theo nhà thiên văn học Martin Hardcastle từ Đại học Hertfordshire (Anh), 2 luồng tia này giải phóng năng lượng lớn gấp hàng tỉ ngàn lần Mặt Trời của chúng ta mỗi giây.
Vì vậy, lỗ đen quái vật tạo ra nó cũng là một trong những lỗ đen mạnh nhất mà nhân loại biết đến, với tốc độ vật chất rơi vào hố đen rất nhanh, do vậy giải phóng luồng phản lực cực mạnh.
Do ánh sáng phải đi mất hàng tỉ năm để đến Trái Đất, lỗ đen mà chúng ta nhìn thấy thực ra là vật thể thuộc về quá khứ, khi vũ trụ mới chỉ gần một nửa độ tuổi hiện đại.
Đó là thời kỳ mà thế giới cuồng nộ hơn hiện tại rất nhiều, với nhiều yếu tố có thể làm gián đoạn các luồng phản lực này. Chúng đã phải rất mạnh mẽ khi chống lại các thế lực đó để trải dài tới 23 triệu năm ánh sáng trong vùng không gian liên thiên hà.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Nguồn: https://nld.com.vn/rong-lua-lon-chua-tung-thay-chui-ra-tu-lo-den-quai-vat-196240919171159732.htm