Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16.11.2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, công tác chuyển đổi số của Vĩnh Long đã có những chuyển biến tích cực.
100% trường học thu học phí không sử dụng tiền mặt
Ngày 6.4.2023, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 742/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16.11.2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, tỉnh đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (MOOCS); Nền tảng trung tâm giám sát điều hành ATTT mạng (SOC); Nền tảng hóa đơn điện tử…
Ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung và danh mục dữ liệu mở tỉnh. Nền tảng LGSP được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng NDXP. Cổng dữ liệu mở của tỉnh (https://opendata.vinhlong.gov.vn) được đưa vào triển khai vận hành, cập nhật 56 cơ sở dữ liệu mở của 14 lĩnh vực.
Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% trường mầm non, phổ thông từ năm học 2023-2024. Ngành y tế có 15/15 cơ sở khám chữa bệnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; Các bệnh viện, cơ sở y tế sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo các phương thức: chuyển khoản, thanh toán qua mã QR và thanh toán qua máy quẹt thẻ (POS).
Anh Nguyễn Minh Thiện (31 tuổi, ngụ H.Mang Thít, Vĩnh Long) cho biết, trường mầm non con gái anh đang học đã triển khai thu học phí qua phần mềm thu hộ Misa. “Việc này rất tiện lợi và dễ thực hiện. Mình chỉ cần nhập mã số của con vào là tự hiện lên số tiền học phí, chỉ 1 cái bấm là thanh toán ngay, rất tiện lợi và nhanh chóng, không cần chờ đợi, chen lấn như những năm trước”, anh Thiện nói.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số
Bà Đoàn Hồng Hạnh, Giám đốc Sở TT-TT Vĩnh Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cho biết, công tác phát triển kinh tế số ở tỉnh đã thúc đẩy, tạo môi trường cho phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phương thức hoạt động và quản trị của doanh nghiệp phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc sử dụng các mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng; mua bán các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử… trên địa bàn tỉnh dần trở nên quen thuộc đối với người dân.
Ngoài ra, tỉnh còn tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chính sách, pháp luật qua hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối 4 cấp; triển khai hóa đơn điện tử, eTax Mobile; Sổ sức khỏe điện tử đã tích hợp thông tin trên ứng dụng VNeID đối với các trường hợp khám chữa bệnh BHYT; hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip điện tử và kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Chị Châu Thị Thúy Hằng (35 tuổi, ngụ H.Long Hồ, Vĩnh Long) chia sẻ: “Bây giờ, đi mua sắm không cần phải mang theo tiền mặt như xưa, chỉ cần cầm theo thẻ hoặc điện thoại là có thể thanh toán được hầu hết các hóa đơn. Đi chợ đi mua sắm thời nay cũng khác xưa nhiều, chỉ cần quét QR là có thể thanh toán được, rất nhanh, tiện lợi và an toàn. Lỡ có thanh toán nhằm thì các ví điện tử hoặc ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ hoàn lại”.
Hiện, Vĩnh Long có hơn 370 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở với 1.316 sản phẩm tham gia giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử ngành Công thương Vĩnh Long. Tỷ lệ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia sàn đạt 82,5% và tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm OCOP mới được cấp chứng nhận để giới thiệu lên sàn.
Theo bà Đoàn Hồng Hạnh, công tác phát triển xã hội số ở tỉnh cũng được chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho người dân nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Qua đó hình thành thái độ, trang bị kỹ năng tham gia vào quá trình chuyển đổi số như các cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh và các đơn vị, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội (Zalo “Chính quyền số Vĩnh Long”, Facebook “Chuyển đổi số Vĩnh Long”), ứng dụng “Smart Vĩnh Long”… Từ đó, mang lại hiệu quả bước đầu cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
“Tuy nhiên, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số sâu rộng hơn nữa để phát triển xã hội số, mang lại lợi ích tốt đẹp, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hơn nữa, các vấn đề hạ tầng mạng chưa đồng đều ở một số nơi, rủi ro mất an toàn thông tin, chất lượng dịch vụ đôi lúc chưa đáp ứng… cần được quan tâm vì nó ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai xã hội số hiện nay”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Thời gian tới, Sở TT-TT Vĩnh Long tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ công tác chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng số; chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo triển khai thực hiện các kế hoạch đào tạo, để phổ biến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về chuyển đổi số, an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh; phối hợp các cơ quan, đơn vị duy trì và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia, ứng dụng địa phương thông qua nền tảng LGSP với nền tảng NDXP; phát triển dữ liệu số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chuyển đổi số; Tăng cường triển khai giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ mất an toàn thông tin; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin đối với công tác quản lý, vận hành đối với hệ thống thông tin của các đơn vị để đảm bảo an toàn, ổn định trong các hoạt động chuyển đổi số.
Nguồn: https://mic.gov.vn/dau-an-chuyen-doi-so-kinh-te-so-o-vinh-long-197241208142128843.htm