Với hơn 900 năm tuổi đời, làng nghề Tống Xá thuộc xã Yên Xá (nay là thị trấn Lâm) huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định hiện có khoảng 170 doanh nghiệp, cơ sở đúc đồng. Không chỉ sống được bằng nghề, nhiều người còn trở thành tỷ phú nhờ nghề cha ông để lại.
Tấp nập vào vụ Tết
Những ngày đầu tháng 12, con đường từ quốc lộ 10 rẽ vào quốc lộ 38B qua thị trấn Lâm, huyện Ý Yên khoảng gần 2km để vào Tống Xá tấp nập xe cộ. Phần lớn khách đều đi ô tô từ các địa bàn xa đến để tìm mua những món đồ thờ cúng, trang trí, vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Ven quốc lộ 38B qua làng đúc đồng là những ngôi nhà bề thế, khang trang. Làng nghề đang vào vụ Tết. “Đất ở đây rất đắt, những cửa hàng trưng bày, giao dịch bán sản phẩm đồng đúc đều có giá hàng chục tỷ đồng”, ông Nguyễn Khắc Tình, trú tổ 12, thị trấn Lâm chia sẻ.
Ngắm nghía bộ đèn thờ cao 50cm vừa chọn mua được với giá 6 triệu đồng, anh Nguyễn Trung (đến từ Hà Nội) cho biết, sắp Tết nên anh đặt mua bộ đèn để cúng tiến từ đường ở quê Ninh Bình: “Trước tôi cũng có mua đồ đồng ở nhiều nơi nhưng qua khảo sát trên mạng, tôi thấy sản phẩm ở Tống Xá giá cả vừa phải nên tôi đến tận nơi xem để mua luôn”.
Trong cửa hàng trưng bày chật kín các sản phẩm đồng của chị Huyền, những ngày này luôn có tới 3 nhân viên tư vấn, ghi đơn, lấy hàng đóng gói trả khách. Chị Huyền cho biết, giờ là “mùa làm ăn” khi nhiều người đặt, chọn mua các sản phẩm thờ cúng, trang trí nhà cửa, quà biếu dịp cuối năm.
“So với nhiều nơi, giá cả ở Tống Xá rẻ hơn, mẫu mã rất đa dạng. Nhà tôi có xưởng đúc đồng với hàng chục nhân công. Nhiều khi khách yêu cầu những sản phẩm mà xưởng không sản xuất, tôi kết nối với các xưởng khác trong làng để đáp ứng”, chị Huyền nói.
Cả vợ chồng chị Huyền và vợ chồng người con trai đều làm nghề đúc đồng. Trong đó, chồng chị là người trực tiếp đúc, con trai cả đảm nhận quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, còn chị lo sổ sách kinh doanh, bán hàng.
Nghề lắm công phu
Là người con mảnh đất Tống Xá, gắn bó với nghề đúc đồng từ nhỏ, ông Nguyễn Khắc Tình (64 tuổi) cho biết, dù có những giai đoạn thăng trầm nhưng những năm gần đây, nghề đang phát triển trở lại. Nhu cầu của khách hàng về đồ thờ cúng, trang trí bằng đồng đang ngày càng tăng.
“Lượng khách ổn định, doanh thu của chủ xưởng tốt, lương thợ từ 8-9 triệu đồng/tháng”, ông Tình nói và cho biết, hiện nhiều xưởng trong làng đang phát triển theo hướng hiện đại hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng như trang bị máy phân tích quang phổ, hệ thống gas công nghiệp.
Theo ông Tình, để tạo ra một sản phẩm chất lượng, trung bình, một sản phẩm đồng được đúc ra sẽ mất khoảng 20-30 ngày tùy theo kích thước sản phẩm mà khách hàng yêu cầu.
Nghề đúc đồng chia thành nhiều công đoạn, đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao và có những nghệ nhân, người thợ chuyên biệt phụ trách. Nhiều nghệ nhân không chỉ được truyền nghề từ gia đình, cha ông, mà còn được đào tạo bài bản các chuyên ngành mỹ thuật, điêu khắc một cách chuyên nghiệp.
Công đoạn quan trọng nhất để tạo ra được một sản phẩm tinh xảo là nấu đồng. Đồng được nấu hoàn toàn bằng lò thủ công. Trước khi đồng chảy vào, phải nung khuôn nóng đều, đủ nhiệt cho đồng chảy đều trong khuôn. Đây là khâu khó nhất.
Quá trình đúc, nghệ nhân cần tạo một khối đất giống như mẫu có sẵn để làm khuôn, sau đó khéo léo nện lại cho khuôn mềm và có độ dẻo dai. Nhưng để cho khuôn cứng cáp và lên phom dáng chuẩn nhất thì khuôn mẫu cần được đốt củi và nung lên cho chín.
Cuối cùng là công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Sau khi khuôn nguội, dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, giũa, đục, tách theo mẫu. Khó đúc nhất là các loại sản phẩm có các thành phần chi tiết nhỏ như tượng Phật; chuông, khánh đánh lên phải trong trẻo, ngân vang.
Gìn giữ nghề cha ông
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiến (75 tuổi) cho hay, ngoài các sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ và các sản phẩm khác của làng nghề phục vụ đời sống sinh hoạt, các nghệ nhân làng Tống Xá đã đúc thành công nhiều công trình tượng đài lớn bằng đồng mang tầm cỡ quốc gia như: Tượng vua Lý Thái Tổ cao 10,1m, nặng 45 tấn ở hồ Gươm (Hà Nội); tượng Đài Thánh Gióng ở Sóc Sơn; tượng Phật tổ Như Lai nặng 35 tấn ở núi Non Nước (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); 3 pho tượng Tam Thế Phật nặng 50 tấn ở chùa Bái Đính (Ninh Bình); Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở Trúc Lâm Thiên Trường – Nam Định….
Theo ông Tiến, dù đã trải qua thăng trầm, làng nghề truyền thống đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Bên cạnh những yếu tố truyền thống vốn có, sản phẩm của đồng Tống Xá cũng có nhiều cách tân để phù hợp với thị hiếu ngày nay.
Ông Dương Doãn Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Lâm cho biết, hiện làng nghề Tống Xá có khoảng trên 20 doanh nghiệp lớn và hàng trăm hộ làm nghề, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho hàng nghìn người dân địa phương.
“Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong và ngoài nước, tại thị trấn Lâm đã hình thành khu công nghiệp cơ khí đúc Ý Yên, thu hút nhiều hộ gia đình làm nghề hoạt động. Người dân đã đầu tư máy móc gia công, đặc biệt nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng để giới thiệu sản phẩm ra thế giới”, ông Tuấn cho biết.
Cách đây 900 năm, làng Tống Xá chỉ có nghề chính là làm nông nghiệp. Sau đó, ông Khổng Minh Không, vị Quốc sư thời Lý đã dạy cho dân làng nghề đúc sanh, nồi, mâm đồng và các vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt.
Từ chỗ chỉ chuyên đúc những sản phẩm gia dụng, thờ cúng có kích thước nhỏ như chậu, nồi, chảo, lư hương, đỉnh trầm, tượng Phật… ngày nay, người Tống Xá đã có thể đúc được những sản phẩm lớn có độ tinh xảo và phức tạp cao, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/lang-duc-dong-900-nam-tuoi-o-thanh-nam-192241205222937178.htm