Có lúc, tôi thầm ước, giá như vợ chồng tôi thảo luận về ý nghĩa của những chiếc nhẫn trước đám cưới. Nếu vậy, có lẽ chúng tôi đã có thể tiết kiệm được một ít tiền. Chúng tôi chỉ mua đôi nhẫn vừa túi tiền nhưng mức giá đó vẫn rất đáng kể đối với chúng tôi vào thời điểm đó.
Cách đây gần hơn 3 thập kỷ, vào một buổi sáng tháng Chín mát mẻ ở quê nhà, bạn bè và gia đình tôi đã xếp thành một vòng tròn. Khi nhạc hiệu nổi lên, họ đi quanh chiếc giỏ được tết bằng vỏ cây, trong chiếc giỏ là 2 cái nhẫn, dành cho tôi và anh ấy.
Thời đó, đám cưới của vợ chồng tôi khiến cả làng xôn xao vì hình thức tổ chức quá đỗi mới lạ. Tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy tất cả những người mình yêu thương có thể đứng ở gần mình nhất để chúc phúc cho tình yêu của mình. Khoảnh khắc ấy thật là thiêng liêng.
Tôi nhớ rất nhiều chi tiết về lễ cưới nhưng về sau, tôi vắt óc cũng không nhớ mình đã đeo chiếc nhẫn vào ngón tay anh ấy lúc nào.
Một buổi tối, chồng tôi xoay qua xoay lại chiếc nhẫn quanh ngón tay, giọng điệu nửa đùa nửa thật:
– Có khi chúng mình chuẩn bị họp gia đình để cân nhắc chuyện này, em nhỉ!
Ban đầu, anh ấy đeo nhẫn suốt cả tuần trăng mật nhưng ngay khi quay trở lại làm việc, chiếc nhẫn không còn quá quan trọng nữa. Dù chúng tôi đã chủ động chọn loại nhẫn đơn giản và nhẹ nhất có thể, nhưng trong lúc làm việc, nó vẫn tạo cảm giác cồng kềnh và khó chịu. Thực ra, chúng tôi chưa bao giờ thảo luận về quyết định lúc nào đeo nhẫn và lúc nào không cần đeo, việc đó chỉ là một lựa chọn mang tính thực tế.
Tôi để ý, anh ấy tháo nhẫn ra để đi làm và không mấy khi đeo lại. Vài tháng đầu tiên sau đám cưới, chiếc nhẫn chỉ xuất hiện trong những buổi tối chúng tôi đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Nhưng chẳng bao lâu sau, anh ấy quên cả việc đeo nhẫn, tôi cũng quên nên chẳng trách anh ấy được.
Bây giờ, tôi không thể nhớ lần cuối cùng anh ấy đeo chiếc nhẫn là khi nào và điều đó thậm chí không làm tôi bận tâm nữa. Hóa ra, đeo nhẫn là một truyền thống không phù hợp với anh ấy, tôi cũng đồng ý với điều đó.
Tình yêu và hôn nhân của chúng tôi không cần chứng minh bằng hình thức, những gì chúng tôi cùng nhau vun đắp đã nói lên tất cả.
Thật ra bố mẹ tôi cũng không còn đeo nhẫn cưới. Bố tôi đánh mất chiếc nhẫn cưới sau khi tháo nó ra để bổ củi.
Sau bao nhiêu năm, bố mẹ tôi vẫn sống hạnh phúc bên nhau. Có lúc, tôi thầm ước, giá như vợ chồng tôi thảo luận về ý nghĩa của những chiếc nhẫn trước đám cưới.
Nếu vậy, có lẽ chúng tôi đã có thể tiết kiệm được một ít tiền. Chúng tôi chỉ mua đôi nhẫn vừa túi tiền nhưng mức giá đó vẫn rất đáng kể đối với chúng tôi vào thời điểm đó.
– Đeo nhẫn không phải lúc nào cũng tốt, chị ạ. – Một người thợ kim hoàn buột miệng nói điều đó với tôi. Cậu ấy giải thích rằng đeo nhẫn liên tục không tốt cho da và khuyên tôi nên tháo nhẫn thường xuyên hơn.
Câu nói của cậu khiến tôi vui như mở cờ trong bụng. Có lúc, do những thay đổi về cơ thể sau khi sinh hai đứa con, tôi không thể đeo vừa nhẫn.
Vợ chồng tôi từng thay đổi kích thước nhẫn hai lần, tốn khá tiền, rồi không ai bảo ai, chúng tôi đều cất “báu vật” vào tủ. Những lúc như thế, vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau cười trừ.
Vài tháng nữa con gái tôi kết hôn. Câu chuyện về chiếc nhẫn khiến tôi dễ dàng đưa ra quyết định: để các con tự biên tự diễn.
Hàng chục năm qua, vợ chồng tôi đã có thể vượt xa những gì xã hội mong đợi, về cách tổ chức đám cưới, về chiếc nhẫn cưới và xác định những gì thực sự phù hợp với mình.
Từ chiếc nhẫn cưới, chúng tôi hướng đến những điều quan trọng khác trong quan hệ hôn nhân. Chẳng hạn như thi thoảng ngủ giường riêng cho thoải mái hoặc du lịch một mình…
Tôi nghĩ, đám cưới của các con sẽ thật tuyệt khi những khám phá đó đến sớm hơn mà chúng không cần trả giá đắt cho việc học. Nhưng tôi cũng không thấy tiếc cho mình, bởi một số bài học chỉ có thể đến theo thời gian.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bai-hoc-tu-cap-nhan-cuoi-17224120722003971.htm