UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận kiến nghị của Sở GTVT cho phép thí điểm tuyến vận tải mới từ bến xe Giáp Bát đi bến xe TP Lào Cai, bến xe Nước Ngầm đi bến xe Sa Pa theo phương án khai thác tuyến cố định, không khai thác vào những khung giờ cao điểm tại Hà Nội để tránh ách tắc giao thông.

Theo đó, lộ trình tuyến sẽ từ các bến xe Sa Pa, Lào Cai (tỉnh Lào Cai) – quốc lộ 4D – nút giao IC 19 – cao tốc Nội Bài, Lào Cai – quốc lộ 2 – đường Võ Văn Kiệt – quốc lộ 5 kéo dài – cầu Đông Trù – quốc lộ 5 kéo dài – đường Nguyễn Văn Linh – quốc lộ 1A – cầu Thanh Trì – Ngọc Hồi, Giải Phóng – đến các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm và ngược lại. 

Trong khi từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đang thực hiện việc sắp xếp luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo phương án phân luồng xe đến từ hướng nào sẽ vào bến đầu tiên của hướng đó.

W-Giap Bat.jpeg
Hà Nội thí điểm tuyến xe khách mới từ bến Giáp Bát đi Lào Cai. Ảnh: N. Huyền 

Lãnh đạo một nhà xe cho rằng đây là động thái tích cực, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi di chuyển.

“Điều này cũng đặt ra câu hỏi: Xe từ phía Nam có thể về bến Mỹ Đình được không, thay vì chỉ được dừng ở bến Nước Ngầm?

Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải buộc phải sử dụng xe trung chuyển đón hành khách tại nhà ra bến. Nếu 45 khách đều sử dụng xe trung chuyển thì nhà xe phải sắp xếp 3 – 4 xe nhỏ đi đón. 

Rõ ràng giữa việc phải bố trí 3 – 4 xe nhỏ để trung chuyển hành khách từ nội đô thì việc họ tự đến bến xe Mỹ Đình rồi chạy thẳng sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho cả hành khách lẫn doanh nghiệp.  

Về giao thông, 3 – 4 xe trung chuyển chưa chắc đã giảm ùn tắc hơn so với 1 xe 45 chỗ chạy thẳng không dừng đón trả khách trong nội đô”, vị lãnh đạo này nói.

Trong khi đó các chuyên gia lo ngại, trong bối cảnh nhiều năm qua Hà Nội vẫn loay hoay với bài toán chống ùn tắc giao thông mà chưa tìm ra lời giải, quyết định trên sẽ đi ngược lại những nỗ lực cải thiện tình hình giao thông Thủ đô. Thậm chí, việc thí điểm có nguy cơ phá vỡ quy hoạch luồng tuyến, các nhà xe sẽ “lách luật” để xe khách chạy xuyên tâm thành phố. 

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mục tiêu của vận tải hành khách là nhanh, rẻ, an toàn, tiện nghi và văn hóa. Việc sắp xếp được các tuyến vận tải sẽ tránh được sự trùng lặp, hạn chế phương tiện lưu thông xuyên tâm thành phố, nâng cao tính an toàn.

“Việc mở thêm tuyến vận tải mới đáp ứng nhu cầu của người dân là cần thiết nhưng tiêu chí phải rõ ràng, minh bạch. Cần đặc biệt lưu ý, việc mở tuyến sẽ dễ tạo ra tiền lệ, một nơi thí điểm sẽ có thêm nhiều nơi muốn mở theo kiểu “trăm hoa đua nở” vì bài toán lợi nhuận”, TS. Nguyễn Xuân Thủy đặt vấn đề.

Do đó, ông Thủy cho rằng, khi triển khai thí điểm, cơ quan chức năng của Hà Nội phải quản lý chặt, phải có kiểm tra, kiểm soát, có sự giải thích rõ ràng vì sao thí điểm.

“Việc thí điểm đến khi nào, phải có báo cáo từng giai đoạn để thấy được hiệu quả hay bất cập cần khắc phục, đảm bảo hiệu quả cao nhất của tuyến vận tải”, ông Thủy nhấn mạnh.

Trước những băn khoăn trên, chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, việc thí điểm sẽ được thực hiện trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. 

Nếu trong thời gian này, doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, đi theo hướng cầu Đông Trù về bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm mà lại chạy xuyên tâm từ cầu Thăng Long sang Mai Dịch, hay đi vào giờ cao điểm, Sở GTVT sẽ yêu cầu dừng ngay.

Về băn khoăn xe từ phía Nam ra muốn thí điểm về bến xe Mỹ Đình có được không, ở góc độ cơ quan tham mưu, Sở GTVT khẳng định, trục đường Phạm Văn Đồng thường xuyên xảy ra ùn tắc nên không có cơ sở để đề xuất hướng tuyến.

“Khi cân nhắc đề xuất thí điểm, chúng tôi yêu cầu phải hội tụ đủ các yếu tố: Phù hợp công tác tổ chức giao thông của thành phố, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, không đi xuyên tâm gây ùn tắc giao thông”, ông Tuyển nói.