Sau 8 năm triển khai điều chỉnh, sắp xếp luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội, đến nay, theo cơ quan quản lý, các chuyên gia, hoạt động của các doanh nghiệp vận tải cơ bản đã ổn định.
Giảm ùn tắc giao thông
Sáng 6/12, tại tọa đàm “Quy định về luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội: Giữ hay bỏ?” do Báo Giao thông tổ chức, cơ quan quản lý và các chuyên gia đã cùng nhìn nhận, đánh giá kết quả đạt được của quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội sau 8 năm triển khai.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB GTVT, chủ trương quy định vận tải khách liên tỉnh Hà Nội theo luồng tuyến của cơ quan quản lý từ năm 2016-2017 là phù hợp với tình hình thực tiễn.
Mục tiêu của vận tải hành khách là nhanh, rẻ, an toàn, tiện nghi và văn hóa. Muốn nhanh được, các bến xe phải đón phương tiện vào bến theo quy hoạch hướng tuyến cụ thể, tránh sự trùng lắp. Đồng thời, hạn chế phương tiện đi xuyên tâm thành phố để nâng cao công tác an toàn giao thông.
Mặt khác, vận tải hành khách được cho là loại hình vận tải đặc biệt, do đó, việc phân luồng tuyến vận tải cũng cần khoa học, không nên điều hành một cách áp đặt mà phải theo tính chất đặc thù.
Theo ông Thủy, sau 8 năm triển khai quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội, đến nay cơ bản hoạt động vận tải đã ổn định, được người dân đồng tình và hình thành thói quen đi lại của người dân đến từng bến, từng tuyến xe.
Phía Hiệp hội Vận tải, ông Đỗ Xuân Hoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, việc Hà Nội tổ chức vận tải theo hướng tuyến từ cuối năm 2016 đến nay đã cho kết quả rất tích cực, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, giảm ùn tắc giao thông.
“Ban đầu một vài doanh nghiệp thực hiện còn khó khăn nhưng sau 8 năm, đến nay cơ bản mọi vấn đề đều ổn định. Không chỉ ở Hà Nội mà ở TP.HCM, các bến xe miền Đông, miền Tây từ trước đến nay cũng đều phục vụ các xe vận tải khách liên tỉnh theo hướng tuyến”, ông Hoa nói.
Đồng thời, nhấn mạnh: Việc tổ chức vận tải theo hướng tuyến là rất cần thiết. Các doanh nghiệp và địa phương đều đề nghị Hiệp hội báo cáo Bộ GTVT nên giữ quy định về hướng tuyến vận tải.
Chính vì vậy, Hiệp hội đã có nhiều văn bản trong góp ý dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ về việc cần giữ quy định hướng tuyến.
Phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, tại Hà Nội, sau khi thực hiện điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh, tình hình trật tự ATGT đã tốt hơn.
Nhắc lại lý do điều chuyển tuyến phía Nam từ Mỹ Đình ra bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm và ngược lại, ông Tuyển cho biết, trước đây, khi Hà Nội chưa mở rộng địa giới thì khu vực Vành đai 3 được coi là đường vành đai. Nhưng khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây thì đường Vành đai 3 trở thành đường xuyên tâm qua thành phố.
Chính vì vậy, lưu lượng phương tiện lưu thông qua khu vực cũng tăng nhanh, dẫn đến ùn tắc giao thông.
“Để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội đã điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách trên hoàn toàn tuân thủ quy định của Chính phủ và Bộ GTVT. Đến nay, cơ bản đã đạt được mục đích”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Đại diện cơ quan quản lý GTVT và các chuyên gia trao đổi, bàn thảo về quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh tại talkshow do Báo Giao thông tổ chức sáng 6/12.
Bắt buộc phải giữ quy định luồng tuyến vận tải
Cũng theo ông Tuyển, trước đây, việc điều chỉnh, sắp xếp lại luồng tuyến vận tải vào các bến xe trên cơ sở đảm bảo sự ổn định của các doanh nghiệp và ưu tiên cho người dân đi lại ổn định.
Các tuyến đi các tỉnh Tây Bắc, phía Nam sẽ vào bến xe Yên Nghĩa, các tuyến đi cầu Thăng Long vào bến xe Mỹ Đình, các tuyến đi quốc lộ 1A vào bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm.
Bên cạnh đó, vẫn có những tuyến được ưu tiên giữ luồng tuyến ban đầu, ổn định giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, đơn cử như tại bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm vẫn có tuyến đi Hải Phòng theo cầu Thanh Trì. Sự sắp xếp ưu tiên này là phù hợp và được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, quy định về luồng tuyến vận tải đã được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và được tiếp tục cụ thể hóa tại Nghị định 41/2024 được ban hành tháng 4 vừa qua.
Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ đang được trình Chính phủ, quy định luồng tuyến vận tải cũng được đề cập nhằm giữ sự ổn định để các doanh nghiệp đầu tư, khai thác ổn định các tuyến vận tải.
Mặt khác, theo Nghị định 41/2024, hiện Chính phủ đã phân cấp triệt để, cụ thể cho địa phương trong việc điều chỉnh, sắp xếp, bổ sung danh mục luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh, để đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý và phù hợp với từng tỉnh, thành; sao cho hành khách đi tuyến vận tải cố định tiếp cận các tuyến xe phù hợp nhất, dễ dàng nhất.
Ông Thuỷ khẳng định cần bắt buộc thực hiện quy định luồng tuyến vận tải, đây được coi là điểm đặc thù, đặc trưng nhất của vận tải tuyến cố định liên tỉnh.
Tại Hà Nội, càng cần phải giữ quy định này, và thực tế đánh giá sau 8 năm điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh ở Thủ đô đã đạt hiệu quả cao.
“Tất nhiên, ban đầu triển khai đã có những tác động nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải nhưng đó là tất yếu và phân luồng tuyến là việc cần phải làm”, ông Thủy nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/duoc-gi-sau-8-nam-dieu-chinh-luong-tuyen-van-tai-khach-lien-tinh-ha-noi-192241206151312585.htm