Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, không để xảy ra tư tưởng lơi lỏng, thiếu trách nhiệm hay sự phân tán trong công việc. Các cơ quan, đơn vị cần đảm bảo nhiệm vụ và công việc phải làm…
Tinh gọn, nâng cao hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Sáng ngày 6/12, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 09-KL/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ, vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định cần đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn, nâng cao hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Bộ trưởng cũng cho biết, căn cứ theo thực tiễn, Trung ương đã xác định các mục tiêu lớn trong triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW như: tiếp tục tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà Nước; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy; tiết kiệm kinh phí, chuyển đổi mạnh mẽ và dần dần sang hình thức tự chủ, chủ động sắp xếp lại cơ cấu bên trong.
Dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn, nâng cao hoạt động hiệu lực, hiệu quả lần này là “một cuộc cách mạng”.
Bộ LĐ-TB&XH là một trong những bộ ngành nằm trong kế hoạch sắp xếp, hợp nhất theo kế hoạch đề ra. Bộ trưởng giao các đơn vị tham mưu khẩn trương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức bộ máy, phương án sắp xếp nơi làm việc của Bộ sau khi tiếp hành hợp nhất các cơ quan.
Chia sẻ với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung động viên: “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ LĐ-TB&XH phải cố gắng hết sức để hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ đã được giao”.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, mỗi cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải ổn định tổ chức, giữ vững kỷ cương, nguyên tắc và tiếp tục thực hiện tốt công việc của mình. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu đơn vị, làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên cấp dưới, duy trì tinh thần đoàn kết và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Các cơ quan, đơn vị cần đảm bảo nhiệm vụ và công việc phải làm, các chính sách cần phải triển khai đầy đủ, chú trọng việc chăm lo Tết cho người nghèo, người có công phải được thực hiện tốt. Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu “không để xảy ra tư tưởng lơi lỏng, thiếu trách nhiệm hay sự phân tán trong công việc”.
Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, đơn vị cũng cần nghiêm túc chấp hành tốt các chỉ đạo của Trung ương về việc sắp xếp lại tổ chức, tinh gọn và chuyển giao bộ máy trên tinh thần tự giác, vui vẻ và gương mẫu trong quá trình thực hiện.
Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và xây dựng đô thị, nông thôn.
Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học Công nghệ và Truyền thông.
Hợp nhất Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
Bộ Y tế tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi Ban này kết thúc hoạt động). Dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ LĐ-TB&XH chuyển sang.
Bộ Ngoại giao tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khi hai đơn vị này kết thúc hoạt động.
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/khong-de-xay-ra-tu-tuong-loi-long-thieu-trach-nhiem-trong-cong-viec-20241207164929800.htm