Đến dự lễ trao giải có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, cùng sự tham gia của đông đảo các tác giả, dịch giả, các nhà khoa học, đơn vị xuất bản, người làm trong ngành xuất bản cùng bạn đọc yêu thích sách…
Trong năm 2024, có 51/57 nhà xuất bản có sách tham dự Giải thưởng (nhiều hơn 10 nhà xuất bản so với Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI).
Số sách tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII có 372 tên sách và bộ sách, bao gồm 455 cuốn sách (nhiều hơn 60 tên sách và bộ sách, 20 cuốn sách so với Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI).
– Người thầy (Nguyễn Chí Vịnh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân).
– Chuyện con mèo dạy hải âu bay (Luis Sepúlveda, người dịch: Phương Huyên, minh họa: Bút Chì, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam).
– Mùa hè không tên (Nguyễn Nhật Ánh , Nhà xuất bản Trẻ).
– Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? (Rosie Nguyễn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam).
Qua các vòng lựa chọn của các Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia quyết định trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024 cho 58 bộ sách, cuốn sách đạt 59 Giải thưởng gồm: 3 Giải A; 10 Giải B; 21 Giải C; 21 Giải Khuyến khích và 4 Giải Sách được bạn đọc yêu thích (có 1 cuốn sách đạt 2 hạng mục Giải thưởng).
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, Giải thưởng Sách quốc gia qua 6 mùa trao giải đã tạo nên những dấu ấn lớn, trở thành sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa, thu hút sự quan tâm của không chỉ các tác giả, nhà xuất bản, mà còn của đông đảo công chúng, bạn đọc cả nước. Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ VII, nhất là Lễ tổng kết và trao giải hôm nay tiếp tục được thực hiện với nhiều đổi mới, sáng tạo, nhằm mục tiêu cao nhất là thể hiện tình yêu sách, sự trân trọng, tôn vinh và tri ân những tác giả, dịch giả và những tác phẩm tiêu biểu.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho biết, Giải thưởng năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà xuất bản, người làm xuất bản cả nước. Các cuốn sách, bộ sách được trao giải đều là những xuất bản phẩm được đầu tư công phu, giàu tâm huyết, có giá trị tiêu biểu, đặc sắc trên các lĩnh vực. Nhiều cuốn sách là hiện tượng của xuất bản, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, yêu mến của độc giả, nhất là độc giả trẻ.
“Có những tác giả, học giả, nhà nghiên cứu, như Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã 104 tuổi, nhưng vẫn bền bỉ cống hiến, dành tâm huyết đời mình cho bộ sách đồ sộ về lịch sử, văn hóa, địa chí: “Gia Định-Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử 1698-2020”. Ông thực sự là tấm gương về sự lao động khoa học và tâm huyết, người truyền cảm hứng về tình yêu sách” – đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Để Giải thưởng Sách Quốc gia – Giải thưởng sách uy tín, danh giá nhất của đất nước ngày càng được nâng tầm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Đó là cần xác định rõ Giải thưởng Sách Quốc gia có mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất là kiến tạo môi trường lành mạnh để các nhà văn hóa, nhà khoa học, các tác giả thể hiện năng lực bản thân, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy mới, tầm nhìn mới, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp giá trị thụ hưởng văn hóa của người dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Do đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy dân chủ, tinh thần cầu thị, cởi mở trong tiếp nhận tri thức mới, văn hoá mới là vấn đề rất quan trọng, mang tính then chốt để thúc đẩy, khuyến khích, phát huy, khai phá năng lực sáng tạo của các nhà văn hoá, nhà khoa học, các tác giả và công chúng cả nước.
Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị khuyến khích, thu hút sự tham gia của các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành, với những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa, đáp ứng nhu cầu phong phú của bạn đọc và các tầng lớp nhân dân. Mở rộng và bổ sung các hạng mục và hình thức giải thưởng…
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các tác phẩm đạt giải, thông qua việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, triển lãm sách nhằm nâng cao uy tín giải thưởng.
Đồng thời, mỗi biên tập viên, người làm công tác xuất bản cần không ngừng tự học, tự nghiên cứu, để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ…
Đồng chí cũng mong muốn các nhà xuất bản, nhà phát hành và những người làm xuất bản cần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, giải thưởng quốc tế.
“Việc đưa tác phẩm đoạt giải tham gia các lễ hội sách quốc tế, giải thưởng văn học quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Giải thưởng Sách Quốc gia, đồng thời, là động lực để các tác giả Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm sách của chính mình”- đồng chí nhấn mạnh.
Cùng với tác phẩm đoạt giải A của tác giả Nguyễn Đình Tư, hai giải A còn lại thuộc về tác phẩm Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa do PGS.TS.BS. Đào Xuân Cơ chủ biên, Nhà xuất bản Y học ấn hành và Tổng tập Nhà văn quân đội – Kỷ yếu – Tác phẩm (5 tập) Tạp chí Văn nghệ Quân đội do Nhà xuất bản Văn học xuất bản.
Năm nay, Giải thưởng Sách Quốc gia có nhiều đổi mới, như mở rộng đối tượng đề cử sách dự Giải trong đó có cả bạn đọc và các cơ quan báo chí, truyền thông; tăng tỷ trọng điểm để đề cao tính lan tỏa của sách được giải; bổ sung hạng mục mới trong cơ cấu Giải thưởng là Giải Sách được bạn đọc yêu thích, do chính bạn đọc đề cử, bình chọn; tổ chức công bố các cuốn sách đề cử được Giải sau khi đã qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo…
Mười tác phẩm được trao giải B
Võ Văn Kiệt – Trí tuệ và sáng tạo (3 tập) của tác giả Hoàng Lại Giang (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật);
Nghệ thuật tư duy chiến lược (tác giả “Avinash K. Dixit & Barry J. Nalebuff, người dịch Kim Phúc”, Nhà xuất bản Lao động),
Bộ sách Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã (Edward Gibbon, người dịch: Thanh Khê, Nhà xuất bản Thế giới);
Sobotta Atlas giải phẫu người (Đầu, Cổ, Chi trên, Ngực, Bụng, Chậu, Chi dưới) (Sobotta, hiệu đính R. Putz và R.Pabst, Ban biên dịch thuộc Bộ môn Giải phẫu học, Khoa Y, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Dân trí);
Bộ xương người nói với chúng ta điều gì? (PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Nhà xuất bản Khoa học xã hội);
Bác Hana (Alena Mornštajnová, người dịch: Bình Slavická, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam);
Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang, Nguyễn Thị Dương chỉnh lý, chú thích và giới thiệu, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm);
Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc (Nguyễn Trương Quý, Nhà xuất bản Trẻ);
Tủ sách Tuổi thần tiên: Nếu một ngày chúng tớ biến mất và Nhạc sĩ đường phố (Mộc An, Nhà xuất bản Kim Đồng);
Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ (Lời: Phạm Thị Kiều Ly, minh họa: Tạ Huy Long, Nhà xuất bản Kim Đồng).
Nguồn: https://mic.gov.vn/giai-thuong-sach-quoc-gia-lan-vii-vinh-danh-tac-gia-104-tuoi-197241130073525773.htm