(CLO) Tổng thống mới đắc cử Donald Trump mới đây đã đe dọa áp mức thuế lên tới 100% đối với các nước BRICS nếu khối tìm cách “thay thế đồng đô la”. Cuộc chiến thuế quan này đang gây ra mối lo ngại tác động tiêu cực đối với thị trường tiền tệ và toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Trong 2-3 năm trở lại đây, xu hướng phi đô la hóa phát triển mạnh mẽ trong kinh tế thế giới, khi các quốc gia đang dần loại bỏ đồng đô la trong thanh toán ngoại thương, thay thế bằng đồng tiền quốc gia và cố gắng xây dựng một cơ cấu thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế.
Đặc biệt, điều này đang xảy ra trong khối các nước BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Trong tương lai, các nước thành viên BRICS sẽ hướng đến thiết lập một loại tiền tệ duy nhất, nhằm đơn giản hóa đáng kể sự hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên.
Mỹ lo mất sự thống trị của đồng USD
Rõ ràng đây là điều mà Mỹ không hề mong muốn và đang cố gắng chống lại sự xuất hiện của các công cụ có thể hạn chế sự thống trị vô điều kiện của đồng USD, vốn là đặc điểm của kinh tế thế giới trong những thập niên gần đây.
Việc Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ có thể đánh dấu một sự chuyển dịch quan trọng trong chính sách thương mại của Mỹ, với những biện pháp thuế quan khắc nghiệt và chính sách bảo hộ thương mại.
Chiến lược của “chính quyền Trump 1.0” tập trung vào việc giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước thông qua một loạt biện pháp thuế quan về quy chế giám sát. Trọng tâm trong phương pháp tiếp cận này là sử dụng thuế quan theo các Mục 301 và Mục 232 của Đạo luật Thương mại, chủ yếu nhằm vào Trung Quốc.
Đến nhiệm kỳ thứ 2, ông Trump không ngần ngại “gây chiến” với BRICS, tuyên bố có thể áp dụng mức thuế 100% đối với thương mại với các nước BRICS nếu họ thúc đẩy việc sử dụng một loại tiền tệ duy nhất.
Các quốc gia thành viên BRICS, rõ ràng là không mong muốn và sẵn sàng cho các bước leo thang mới, song với tiềm lực kinh tế như hiện nay, BRICS có thể thách thức sự lãnh đạo của Mỹ và sự thống trị của đồng đô la trong kinh tế thế giới.
Dự án đồng tiền chung BRICS sẽ rất thú vị và nếu được cụ thể hóa, nó sẽ dẫn đến giảm nhu cầu toàn cầu đối với đồng đô la. Xét ở góc độ này, Tổng thống đắc cử Trump, đề xuất mức thuế “hà khắc”, có thể là điều dễ hiểu để bảo vệ Mỹ và củng cố vị thế cho đồng đô la.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, chủ nghĩa bảo hộ thương mại như vậy sẽ chỉ tạo ra sự chia rẽ trong hệ thống thương mại quốc tế thành các khối khu vực và làm tăng thêm mong muốn của các quốc gia BRICS, nếu không muốn đưa ra một hệ thống thương mại, tiền tệ duy nhất, thì cũng sẽ là sự từ chối rõ ràng, công khai hơn đối với đồng đô la, sử dụng đồng tiền quốc gia của mình trong thanh toán quốc tế.
BRICS sẽ giúp thế giới không còn phụ thuộc vào USD?
Mặc dù chưa có một loại tiền tệ duy nhất, song hiện nay thanh toán đang được thực hiện bằng tiền tệ quốc gia của các nước BRICS, trong khi Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) hoạt động như một nền tảng để tích hợp, chuyển đổi và thanh toán bù trừ.
Khi BRICS tiếp tục thách thức sự thống trị của đồng đô la trên thị trường toàn cầu, việc tạo ra hệ thống thanh toán đã trở thành ưu tiên hàng đầu của khối thời gian qua. Điều này cho phép các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Nam bán cầu, giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng tiền tện quốc gia của riêng họ để thanh toán thương mại.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Trump muốn đồng đô la vẫn là đồng tiền dự trữ quan trọng của thế giới, là công cụ chính để thanh toán ngoại thương. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta đều thấy mức thâm hụt thương mại của Mỹ là rất lớn, và sẽ rất khó có thể đồng thời giảm mức thâm hụt này và tăng cường sự thống trị của đồng đô la trong nền kinh tế toàn cầu.
Niềm tin vào đồng đô la, về cơ bản được coi là tài sản quan trọng của Mỹ, rõ ràng đang suy giảm. Đặc biệt, điều này xảy ra do mức nợ công cao khổng lồ của Mỹ, cũng như việc sử dụng đồng đô la như một công cụ trừng phạt tài chính mạnh mẽ đối với các quốc gia khác. Kết quả là, vị trí đặc quyền của đồng đô la trong hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu ngày càng bị đặt dấu hỏi.
Sức mạnh đô la Mỹ đang suy giảm
Đồng đô la mạnh từ lâu đã góp phần mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là trong những năm 1990, thu hút đầu tư nước ngoài lớn, khiến các khoản vay trong nước trở nên rẻ hơn và nói chung, làm tăng sức mua, chi tiêu của các công ty và hộ gia đình.
Tuy nhiên, tình hình bắt đầu xấu đi vào những năm 2000, khi Mỹ mở rộng mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các nước đối thủ cạnh tranh. Tỷ trọng đồng đô la trong dự trữ của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm từ 73% xuống còn 59%.
Theo Vladimir Stroev, Hiệu trưởng Trường Đại học Quản lý Nhà nước (Nga) cho rằng, cách tiếp cận bất thường và cứng rắn của chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ khiến cấu trúc trước đây của hệ thống tiền tệ toàn cầu sụp đổ với tốc độ nhanh hơn dự kiến ban đầu.
Thực tế, có nhiều dự đoán trước đây về sự sụp đổ của đồng đô la, nhưng đều đã không xảy ra. Theo đó, khoảng 70% khoản nợ của thế giới được tính bằng đồng đô la và trong các giao dịch ngoại hối quốc tế, tỷ trọng của đồng đô là là 90%. Dầu và nhiều loại nguyên liệu thô tiếp tục được giao dịch bằng đồng tiền của Mỹ. Đồng đô la vẫn là loại tiền tệ được giao dịch tự do và có tính thanh khoản cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, chuyên gia người Nga nhận định rằng, sự can thiệp của Tổng thống Donald Trump vào thương mại quốc tế có thể dẫn đến biến động mạnh trên thị trường tiền tệ và những cuộc khủng hoảng mới có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia phụ thuộc vào đồng đô la.
Tất nhiên, vị trí của loại tiền tệ này trong nền kinh tế toàn câu không còn như cách đây vài thập kỷ. Song cách tiếp cận hiện tại của ông Trump là một lời nhắc nhở khác về tác động tiêu cực mà chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể gây ra đối với thị trường tiền tệ và toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Hà Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/cuoc-chien-thue-quan-my–brics-co-the-tac-dong-toi-toan-bo-kinh-te-the-gioi-post324509.html