Trường đại học không chấp nhận chứng chỉ IELTS, sinh viên buộc phải học chương trình tiếng Anh do trường tổ chức, có hợp lý không?
Như Tuổi Trẻ Onine phản ánh, nhiều phụ huynh, sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM bức xúc việc người học đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS nhưng không được nhà trường chấp nhận, bắt phải thi và đóng tiền học tiếng Anh tại trường.
Vụ việc thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc với nhiều ý kiến trái chiều.
IELTS 7.0 chưa chắc đã hiểu tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật, cần phải học thêm?
Theo bạn đọc Tu, thực tế Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM vẫn cho phép sinh viên khóa 22 trở về trước nộp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để được miễn học phần tiếng Anh. Nhưng từ khóa 23 trở đi, trường bắt buộc sinh đóng cả chục triệu để học tiếng Anh của trường.
“Trên thực tế, những bạn có IELTS 7.0 trở lên đều có khả năng giao tiếp, thậm chí nghiên cứu tài liệu bằng tiếng Anh khá tốt, nên sẽ làm tốt công việc chuyên ngành của mình. Học tiếng Anh của trường như học nội dung cấp 3, chỉ học ngữ pháp và từ vựng. Nếu không thể nghe nói làm sao mà có thể đi làm?
Về phần tiếng Anh chuyên ngành, tôi thấy nhà trường nên quy định nếu sinh viên muốn thì có thể đăng ký học, không thì tự học bên ngoài. Có nhất thiết phải tốn 6 triệu đồng cho việc học tiếng Anh chuyên ngành nếu chỉ học mỗi từ vựng?”, một bạn đọc băn khoăn.
Bạn đọc Tinh nhận định: “Rõ ràng theo thông báo của nhà trường đa số các lớp đều là Anh văn tổng quát, chỉ có một lớp cuối có thể là tiếng Anh chuyên ngành.
Sinh viên có chứng chỉ IELTS cao mà vẫn phải học lại tiếng Anh ở trường là sự lãng phí thời gian và tiền bạc.
Khi trình độ tiếng Anh của sinh viên đã tốt thì các bạn tự học thêm từ vựng chuyên ngành chứ một khóa học ở trường cũng không giải quyết được gì”.
Bạn đọc Huỳnh Chương thắc mắc: Chương trình tiếng Anh tổng quát của Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm định chất lượng chưa? Chứng chỉ English UTH do trường cấp có giá trị pháp lý không? Bộ có cho phép trường tự cấp chứng chỉ này không?
Trong khi đó, lãnh đạo nhà trường giải thích rằng “việc giảng dạy chương trình tiếng Anh tại trường nhằm đảm bảo chất lượng, tránh các trường hợp sinh viên bị các hội nhóm bên ngoài lừa đảo cấp chứng chỉ giả”.
Về ý kiến này, bạn đọc Xuân Phương nêu: “Việc lừa giả hay thật là do cách quản lý. Đội ngũ giảng viên của trường có đạt IELTS 7.5 hết hay không mà ép buộc sinh viên như vậy”.
Phải học tiếng Anh chuyên ngành là hợp lý
Tuy nhiên cũng có nhiều bạn đọc cho rằng việc nhà trường tổ chức dạy học tiếng Anh chuyên ngành trong trường là hợp lý.
Bạn đọc Minh Khang nêu ý kiến: “Tôi ủng hộ tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên các trường. Chúng ta đang hội nhập rất sâu với thế giới nên cần thiết.
Thật ra các chứng chỉ IELTS mang tính phổ quát, không chuyên sâu trong từng lĩnh vực chuyên môn hẹp. Nếu sinh viên không học tiếng Anh chuyên ngành sẽ gặp khó khi tiếp cận các tài liệu chuyên môn trong quá trình học tập và nghiên cứu”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Gia Bảo chia sẻ học tiếng Anh chuyên ngành thì sau này đi làm sẽ giúp ích nhiều cho công việc. Trong môi trường mà mọi người giao tiếp với nhau bằng các thuật ngữ và ngôn ngữ chuyên môn thì việc các bạn hiểu được chính xác ý của đối phương truyền đạt là rất quan trọng.
“Tiếng Anh ở trường là tiếng Anh chuyên ngành, yêu cầu sinh viên phải học là hợp lý thôi. Ví dụ Bridge là cái cầu, cầu nối, nhưng chuyên ngành hàng hải nó là buồng lái tàu.
Không học tiếng Anh chuyên ngành thì sau này ra trường giao tiếp chuyên môn sẽ gặp nhiều khó khăn”, bạn đọc Johny ý kiến.
Bạn đọc Hoàng Đan cũng khẳng định: “Những người có IELTS 7.0 chưa chắc đã hiểu biết và thành thạo được các thuật ngữ chuyên ngành kỹ thuật, đặc biệt là ngôn ngữ về máy móc chuyên sâu”.
Thế nhưng, bạn đọc Migu lại cho rằng: “Học tiếng Anh chuyên ngành nhưng trường đâu có chia tiếng Anh chuyên ngành cho mỗi ngành khác nhau. Tôi học tự động hóa nhưng vẫn phải học tiếng Anh của ngành logistics. Mai mốt ra trường tiếng Anh chuyên ngành đó đâu phục vụ trong công việc của em được”.
Mức học phí tiếng Anh tại trường quá cao
Tự giới thiệu là sinh viên của Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, bạn đọc Hoài Nam nhận xét: “Thành thật mà nói chất lượng giảng viên dạy tiếng Anh của trường bình thường. Học phí 5 triệu đồng một bậc mà tôi chỉ nhận được 4 – 5 buổi học trực tiếp, còn lại là online và chỉ kết thúc vỏn vẹn trong một tháng”.
Còn theo bạn đọc Vy: “Nhà trường dạy tổng cộng năm bậc tiếng Anh nhưng chỉ có một bậc là tiếng Anh chuyên ngành. Chúng tôi không phản đối tiếng Anh chuyên ngành vì trường nào cũng có. Và cũng không phản đối việc trường cho học tiếng Anh cơ bản.
Vấn đề chúng tôi không đồng tình là học phí tiếng Anh. Với tiếng Anh chuyên ngành 6 triệu đồng còn có thể chấp nhận. Nhưng với tiếng Anh cơ bản, mức thu này là quá cao.
Thậm chí chúng tôi còn phải học online và e-learning (tự học – giáo viên giao bài tập để tự tìm hiểu tự làm, hoặc không). Đáng nói hơn ở chỗ việc học e-learning chiếm khá nhiều, và nó cũng được tính là một tiết học”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ielts-7-5-van-hoc-lai-tieng-anh-o-truong-can-thiet-hay-lang-phi-2024120710242137.htm