Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ Thủ tướng Michel Barnier, kết thúc nhiệm kỳ vỏn vẹn 3 tháng của ông.
Quốc hội Pháp ngày 4.12 thảo luận về nghị quyết bất tín nhiệm được cánh tả trình lên do mâu thuẫn về dự luật ngân sách chi tiêu thắt lưng buộc bụng của năm tới, theo AFP. Trước đó, Thủ tướng Michel Barnier đầu tuần này thông qua dự luật tài chính an ninh xã hội mà không qua bỏ phiếu khiến các đảng khác phản đối.
Phe đối lập Pháp “lật đổ” chính phủ bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Với sự ủng hộ quan trọng của phe cực hữu, 331 nghị sĩ trong tổng số 577 nghị sĩ quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ, kích hoạt việc phế truất thủ tướng và toàn bộ nội các.
Ông Barnier mới chỉ đảm nhiệm chức thủ tướng từ tháng 9 sau cuộc bầu cử quốc hội sớm hồi tháng 6 với kết quả là không đảng nào giành đa số, trong khi phe cực hữu nắm giữ đủ số phiếu để quyết định sự tồn tại của chính phủ.
Trước mắt, Tổng thống Emmanuel Macron giờ sẽ phải chọn ra một người để điều hành chính phủ trong hơn 2 năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Nhà lãnh đạo sẽ có bài phát biểu trước toàn dân vào rạng sáng 6.12, theo giờ Việt Nam. Trước đó, ông Macron sẽ nhận đơn từ chức của Thủ tướng Barnier.
Theo giới quan sát, bất kỳ thủ tướng mới nào cũng sẽ đối diện với những thách thức như ông Barnier trong việc thông qua dự luật, khi đảng cầm quyền không có thế đa số tại quốc hội. Theo luật, Pháp chỉ có thể tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội mới vào từ sau tháng 7.2025.
Theo Reuters, ông Macron có thể đề nghị ông Barnier và các bộ trưởng tạm thời giữ nguyên chức vụ để chờ tìm ra người kế nhiệm có thể lôi kéo đủ sự ủng hộ từ các đảng phái để thông qua các luật. chính phủ tạm quyền cũng có thể đề xuất dự luật khẩn cấp để triển khai các nghị quyết thu chi của ngân sách năm 2024 sang năm 2025, hoặc dùng quyền lực đặc biệt để thông qua ngân sách 2025 bằng sắc lệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng đây là vùng xám và tiềm ẩn rủi ro chính trị lớn.
Bà Mathilde Panot, lãnh đạo tại quốc hội của đảng cánh tả Nước Pháp bất khuất (LFI) kêu gọi Tổng thống Macron từ chức và đề nghị bầu cử tổng thống sớm để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Trước đó, ông Macron đã bác bỏ lời kêu gọi từ chức và cho rằng đó là “hư cấu chính trị”.
Đây là lần đầu tiên quốc hội Pháp bỏ phiếu phế truất chính phủ từ năm 1962, khi chính phủ của Thủ tướng Georges Pompidou bị mất chức. Ông Barnier là thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất kể từ khi nền Đệ ngũ Cộng hòa bắt đầu vào năm 1958.
Nguồn: https://thanhnien.vn/quoc-hoi-bo-phieu-bat-tin-nhiem-thu-tuong-phap-ra-di-sau-von-ven-3-thang-185241205070547722.htm