Từ xưa đến nay, các nhà khoa học luôn muốn tìm các liệu pháp để giúp cho con người trẻ, khỏe, đẹp, sống trường thọ và không mắc những căn bệnh nghiêm trọng. Các liệu pháp chống lão hóa này là gì?
Bác sĩ Phan Thanh Hào – chủ tịch Chi hội Chống lão hóa TP.HCM – đã cho biết như vậy tại Hội nghị tế bào gốc lần thứ 13 được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 6-12.
“Trước đây, khái niệm lão hóa thường gắn liền với người từ 60 tuổi trở lên, nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2000, lão hóa đã xuất hiện từ tuổi 40 không chỉ ở vẻ bề ngoài ở làn da, mái tóc… mà còn là sự suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể”, bác sĩ Thanh Hào cho biết.
Có bốn nguyên nhân gây lão hóa. Thứ nhất là do tế bào trong cơ thể bị suy giảm về số lượng cũng như suy giảm về chất lượng.
Thứ hai là do hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm. Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm sẽ rất dễ mắc bệnh, các vi rút sẽ tấn công dẫn đến lão hóa càng nhanh.
Thứ ba là do mất cân đối của nội môi-hormone.
Thứ 4 là do thiếu hụt năng lượng tái tạo các oxy hóa.
Từ bốn nguyên nhân này, các nhà khoa học đi tìm ra các liệu pháp để làm chậm đi quá trình lão hóa.
Hiện nay nguyên nhân của lão hóa được “tìm ra” thông qua các cận lâm sàng, qua các công nghệ về tầm soát gene có thể xác định được trong tương lai cơ thể có thể mắc những căn bệnh gì. Từ đó đưa ra những biện pháp phòng ngừa để quá trình lão hóa diễn ra chậm lại. Tùy theo mỗi cá thể, người làm lâm sàng sẽ đưa ra những liệu pháp phù hợp để chống lão hóa cho cá nhân đó.
Hiện có nhiều cách chống lão hóa, trong đó có bổ sung tế bào gốc để quá trình lão hóa chậm lại. Ngoài ra, còn có những cách như bổ sung tăng cường miễn dịch, cân bằng hormone, bổ sung những dưỡng chất chống oxy hóa, thanh lọc giải độc cơ thể…
“Vì sao lại đưa tế bào gốc trong mô để chống lão hóa? Bởi lẽ đặc điểm cũng như chức năng tế bào gốc trong mô rất dễ nuôi cấy và tăng sinh rất tốt. Ngoài ra, tế bào gốc trong mô còn có chức năng làm mới, tái tạo, sửa chữa. Chính vì vậy mà rất nhiều nhà lâm sàng và nhà khoa học đã đưa ứng dụng tế bào gốc trong chống lão hóa”, bác sĩ Thanh Hào thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tế bào gốc đã và đang mở ra những triển vọng to lớn trong y học hiện đại, từ trị liệu các bệnh lý phức tạp, tái tạo mô đến các ứng dụng trong các lĩnh vực.
TP.HCM, với vai trò là trung tâm khoa học và y tế hàng đầu của cả nước, đã luôn tiên phong trong việc tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc. Những bước tiến này không chỉ phục vụ sự phát triển của ngành y tế mà còn góp phần nâng cao vị thế của TP trên bản đồ khoa học quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng lưu ý cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật trong việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng tế bào gốc.
Cần kiểm soát vi phạm về quảng cáo
PGS Trần Công Toại, chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM, cho biết nhiều đơn vị trong nước đã được Bộ Y tế cho thử nghiệm lâm sàng ứng dụng tế bào gốc từ năm 2012 đến nay.
PGS Toại cho rằng các nhà quản lý cần kiểm soát những vi phạm về quảng cáo sai thông tin, vượt quá phạm vi chuyên môn, hoặc những nơi không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh về tế bào gốc….
Nguồn: https://tuoitre.vn/bon-nguyen-nhan-chinh-gay-lao-hoa-lam-the-nao-de-ngan-ngua-20241206201232916.htm