(CLO) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang một lần nữa phải khẩn trương tìm người thay thế Thủ tướng Michel Barnier sau khi chính phủ thiểu số của ông bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 4/12.
Như đã biết, ông Michel Barnier đã phải từ chức Thủ tướng Pháp chỉ sau chưa đầy 3 tháng tại vị, sẽ trở thành người giữ chức Thủ tướng ngắn nhất trong lịch sử hiện đại Pháp sau khi Tổng thống Macron đã chính thức chấp nhận đơn từ chức của ông.
Điều đó cũng có nghĩa là ông Macron sẽ phải đi tìm Thủ tướng thứ 6 cho nước Pháp kể từ khi được bầu làm Tổng thống vào năm 2017. Thậm chí, ông Barnier còn là người thứ ba giữ cương vị lãnh đạo Chính phủ Pháp này trong năm 2024, bên cạnh bà Élisabeth Borne và ông Gabriel Attal. Hai người trước đó là các ông Édouard Philippe và Jean Castex.
Hiện, Tổng thống Macron đang thảo luận với các đồng minh và chính trị gia cấp cao để nhanh chóng bổ nhiệm một Thủ tướng mới. François Bayrou, một chính trị gia ôn hòa kỳ cựu và đồng minh thân cận của Macron, được truyền thông Pháp đề cập như một ứng viên tiềm năng. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Sébastien Lecornu cũng được coi là một ứng viên sáng giá.
Theo một số nguồn tin, Tổng thống Macron mong muốn đưa ra quyết định trước lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày thứ Bảy tới, sự kiện có sự tham dự của nhiều lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp đang làm suy yếu Liên minh châu Âu, vốn đã chịu nhiều áp lực sau sự sụp đổ của chính phủ liên minh ở Đức. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị quay lại Nhà Trắng.
Tân Thủ tướng Pháp sẽ phải đối mặt với thách thức tương tự người tiền nhiệm: thông qua ngân sách năm 2025 trong một quốc hội chia rẽ sâu sắc, đồng thời khôi phục tài chính công đang kiệt quệ.
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN), chỉ trích Macron: “Thủ phạm chính của tình hình hiện tại là Emmanuel Macron”, bà phát biểu trên đài TF1 vào tối thứ Tư.
Kết quả thăm dò của Toluna Harris Interactive cho thấy 64% cử tri muốn ông Macron từ chức. Tuy nhiên, hiến pháp Pháp chỉ cho phép bãi nhiệm Tổng thống nếu hai phần ba số nghị sĩ kết luận ông đã không hoàn thành vai trò, một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Khủng hoảng chính trị đang làm bất ổn thị trường tài chính Pháp, ảnh hưởng đến trái phiếu và cổ phiếu nước này. Dù thị trường có phần hồi phục vào ngày 5/12 do các nhà đầu tư chốt lời sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, sự bất định kéo dài được dự đoán sẽ tiếp tục gây áp lực.
Theo đánh giá của Standard & Poor’s, việc chính phủ Pháp sụp đổ khiến triển vọng giảm thâm hụt ngân sách trở nên mờ mịt, và khả năng thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” sẽ thấp hơn trước.
Trong bối cảnh này, tình trạng bất ổn chính trị có thể kéo dài ít nhất đến tháng 7/2025, khi cuộc bầu cử quốc hội mới được phép tổ chức.
Cao Phong (theo Reuters, Le Monde)
Nguồn: https://www.congluan.vn/tong-thong-macron-lan-thu-sau-di-tim-thu-tuong-moi-cho-nuoc-phap-post324353.html