Di Linh được xem là “thủ phủ” cà phê của Lâm Đồng. Nhãn hiệu “Cà phê Di Linh” được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận. Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê gặp những khó khăn nhất định như quy trình trồng và chăm bón chưa đồng bộ, chưa khoa học, chưa phân loại cà phê, sản phẩm chủ yếu là cà phê xô nên giá thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao… Trước thực trạng đó, thời gian qua, những người trồng cà phê ở huyện Di Linh đã áp dụng nhiều giải pháp mới góp phần nâng cao chất lượng cây cà phê.
Bên cạnh sản xuất hữu cơ, việc nông dân thu hoạch chọn lọc 100% quả chín để sơ chế, chế biến đã góp phần nâng cao chất lượng cà phê Di Linh |
Ông Vũ Hồng Long – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh, cho biết: Định hướng phát triển ngành Nông nghiệp huyện Di Linh hướng đến là trung tâm sản xuất cà phê và cây ăn quả của tỉnh và cà phê vẫn là cây trồng trung tâm. Theo đó, Di Linh tập trung làm tốt việc tái canh, cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng trên diện tích cà phê hiện có. Hiện nay, bình quân hàng năm người dân trên địa bàn trồng tái canh, ghép cải tạo 1.800 ha cà phê kém chất lượng. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Di Linh sẽ tăng năng suất cho khoảng 6.617 ha cà phê hiện kém hiệu quả, năng suất thấp trên toàn huyện.
Bên cạnh định hướng của địa phương, nông dân Di Linh cũng đã chủ động thích ứng và có những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng cà phê. Đơn cử, tại xã Tân Nghĩa, gia đình ông Bùi Trung Đảng vừa có vụ cà phê bội thu với năng suất trên 4 tấn nhân/ha. Ông Đảng cho biết, gia đình trồng 1,5 ha cà phê từ năm 1994 và đến khoảng năm 2017 thì cây trong vườn bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất kém. Trước tình hình đó, gia đình ông đã thực hiện tái canh với nguồn giống chất lượng cao, có sức kháng bệnh tốt do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) chuyển giao. Bên cạnh đó, nông dân Bùi Trung Đảng cũng đã nghiên cứu thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn mà ngành Nông nghiệp huyện Di Linh đã khuyến cáo và hướng dẫn. Cụ thể, gia đình ông Đảng đã loại bỏ lứa cà phê già cỗi, kém chất lượng, sau đó thực hiện các biện pháp cải tạo đất, khử mầm bệnh trong đất theo trình tự và thời gian quy định. Khi đất sạch mầm bệnh, gia đình mới tiến hành đặt giống. “Với cách làm khoa học này, tỉ lệ cây sống đạt đến 98% và rất đồng đều. Nhờ vậy nên sau 3 năm tái canh, cà phê bắt đầu cho thu bói và đến năm thứ 4 thì chính thức cho kinh doanh với năng suất trên 4 tấn nhân/ha”, nông dân Bùi Trung Đảng phấn khởi chia sẻ.
Để nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê và góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, nhiều hộ dân, hợp tác xã sản xuất cà phê trên địa bàn Di Linh đã chọn hướng sản xuất cà phê hữu cơ.
Ông Trịnh Tấn Vinh, nông dân sản xuất cà phê tại xã Đinh Lạc chia sẻ, gia đình ông đã chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống qua sản xuất hữu cơ từ năm 2008. Hiện nay, trên diện tích cà phê của ông Vinh phát triển lớp thảm thực vật bằng cỏ lá đậu để giữ độ ẩm và tạo hệ sinh thái nền vườn. Ở phía trên, ông Vinh trồng mắc ca, sầu riêng làm cây che bóng kết hợp phát triển kinh tế. Để đảm bảo sự sinh trưởng cho cây, gia đình ông Vinh đã sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ hoặc phân bón vi sinh. Trường hợp cây bị nhiễm sâu, bệnh hại, ông sẽ thực hiện biện pháp phòng ngừa bằng các chế phẩm sinh học…
Ông Trịnh Tấn Vinh cho biết, mô hình cà phê hữu cơ giúp gia đình tiết kiệm từ 25 – 30% chi phí về nhân công diệt cỏ, thuốc trừ cỏ so với cách làm thông thường; giảm 40% chi phí phân bón, chi phí vận hành tưới. Với quy trình nông nghiệp hữu cơ, vườn cà phê của gia đình ông Trịnh Tấn Vinh sinh trưởng tốt, năng suất đạt 4 tấn nhân/ha.
Cùng với việc chăm sóc theo quy trình chuẩn hữu cơ, gia đình ông Vinh còn thực hiện thu hoạch chọn lọc 100% quả chín để sơ chế, chế biến. Ông Vinh cho biết, với quy trình hiện tại, mỗi năm, gia đình ông sản xuất và cung ứng ra thị trường trong, ngoài nước trên 1 tấn cà phê honey hữu cơ thành phẩm và trên 2 tấn cà phê bột hữu cơ thông thường. Nhờ cách làm này nên sản phẩm cà phê của gia đình ông có giá bán cao hơn nhiều lần so với cà phê thông thường.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi được nhiều nông hộ lựa chọn. Và ở xã Hòa Bắc đã hình thành Tổ hợp tác cà phê hữu cơ với diện tích sản xuất 5,6 ha. Tại đây, các thành viên của nhóm tập trung thực hiện vùng đệm, phát triển mô hình theo các tiêu chuẩn như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không phân bón hóa học. Để cà phê phát triển tốt, các thành viên Tổ hợp tác cà phê hữu cơ đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để ủ và làm phân bón. Người dân cũng trồng chuối và tận dụng thân chuối đắp gốc cà phê tạo độ ẩm, nuôi dưỡng hệ vi sinh để cải tạo đất. Ông Đỗ Duy Tùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác cà phê hữu cơ xã Hòa Bắc cho biết thêm, hiện nay, toàn bộ diện tích cà phê của tổ hợp tác đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia TCVN. Sản phẩm cà phê của tổ đạt chất lượng nên tăng được khả năng cạnh tranh và có giá bán cao hơn trên thị trường.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Di Linh chia sẻ thêm: Địa phương phấn đấu đến năm 2025 trên 40% diện tích cà phê đạt điều kiện thâm canh cao, năng suất ổn định 40 tạ/ha trở lên, kết hợp với trồng xen các loại cây trồng khác tăng nguồn thu cho bà con nông dân, tạo đà cho kế hoạch đột phá tăng tốc về kinh tế của huyện.
Ghi nhận tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê của địa phương hiện đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) với khoảng gần 176 nghìn ha. Trong đó, cà phê được trồng nhiều nhất tại huyện Di Linh với khoảng 45,6 nghìn ha. Năng suất cà phê trong tỉnh bình quân khoảng 35,5 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng trên 600 nghìn tấn. Hiện nay, các sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang xay của tỉnh Lâm Đồng đang được xuất khẩu qua thị trường quen thuộc ở các nước châu Âu như: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia…, các thị trường châu Á như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh đạt trên 90 ngàn tấn với giá trị đạt trên 180 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Đối với lĩnh vực cà phê, đây là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương nên tỉnh tập trung xây dựng các mô hình bền vững, đưa các loại giống tốt vào sản xuất với các quy trình khoa học. Địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, đặc biệt, tập trung vào chế biến để tăng giá trị sản phẩm.