‘Tôi xem trên mạng thì thấy có thông tin cho rằng người bệnh tiểu đường thì không nên ăn cháo, điều này có đúng không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ’. (M.Long, ở TP.HCM).
Bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Thị Lan Hương, Hệ thống y tế tim mạch – tiểu đường 315 (TP.HCM), giải đáp: Trước khi trả lời câu hỏi tiểu đường có ăn cháo được không? Chúng ta cần nắm rõ các thông tin về chỉ số đường huyết của món ăn này.
Cụ thể, chỉ số đường huyết của cháo (GI) thường dao động trong khoảng từ 78 – 99,3 (thuộc nhóm cao), trong khi tải lượng đường huyết (GL) của món ăn này thường biến thiên trong khoảng từ 10,3 – 18,3 (thuộc nhóm cao), tùy thuộc vào giống gạo và tỷ lệ giữa gạo với nước dùng cho việc nấu cháo.
Trong đó, GI và GL là 2 đại lượng quan trọng, lần lượt phản ánh tốc độ và mức độ làm tăng đường huyết sau 2 giờ ăn cháo.
Với các chỉ số nêu trên, cháo (nấu từ gạo trắng) có thể làm tăng nhanh đường huyết, song mức tăng thường ở mức trung bình thấp (không cao) nếu được tiêu thụ ở lượng vừa phải.
Sở dĩ chỉ số đường huyết của cháo ở mức cao là vì món ăn này được làm từ gạo trắng – một thực phẩm vốn rất giàu chất đường bột (carbohydrate) nhưng lại chứa ít chất xơ.
Ngoài ra, xét về giá trị dinh dưỡng, hàm lượng protein, chất béo, vitamin và khoáng chất trong cháo cũng không nhiều.
Theo bác sĩ Cao Thị Lan Hương, người tiểu đường có thể ăn cháo nhưng cần chú ý đến loại gạo, hàm lượng tiêu thụ và phương pháp chế biến. Bởi lẽ, như đã đề cập, cháo có tác động làm đường huyết tăng sau khi tiêu thụ.
Nấu cháo với càng nhiều nước (càng loãng) thì tải lượng đường của khẩu phần ăn càng thấp, và do đó, người bệnh có thể được phép ăn nhiều cháo hơn so với việc nấu cháo đậm đặc.
Cách ăn cháo an toàn hơn cho người tiểu đường
Ưu tiên gạo lứt. Gạo trắng thường có chỉ số đường huyết cao, vì vậy cần được cân nhắc kỹ trước khi sử dụng. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn gạo lứt bởi chúng chứa nhiều chất xơ và sở hữu chỉ số đường huyết thấp hơn gạo trắng, hỗ trợ quá trình kiểm soát đường huyết diễn ra thuận lợi.
Hạn chế sử dụng gia vị. Người bệnh tiểu đường khi ăn cháo nên hạn chế sử dụng muối, đường, bột nêm, bột ngọt,… bởi chúng có thể gây ảnh hưởng đến đường huyết, huyết áp và thúc đẩy các biến chứng tim mạch khởi phát.
Thay vào đó, bạn nên ưu tiên các loại gia vị tự nhiên như hành, tỏi, gừng,… để tăng hương vị và ít gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Kết hợp với thực phẩm giàu chất xơ và protein. Cháo trắng thiếu chất xơ và protein. Vì vậy, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, người bệnh nên kết hợp ăn cháo cùng các thực phẩm giàu chất xơ (đậu, ngũ cốc, rau xanh) và protein, đặc biệt là protein nạc (thịt gà bỏ da, cá béo, các loại thủy hải sản khác).
Theo dõi đường huyết trước và sau ăn cháo. Như đã đề cập, cháo có nguy cơ khiến đường huyết tăng cao hay thấp sau bữa ăn là phụ thuộc nhiều vào lượng tiêu thụ. Vì vậy, đo đường huyết thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi ăn cháo, sẽ giúp bạn theo dõi phản ứng của cơ thể với món ăn này, từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện thấy dấu hiệu đường huyết bất thường.
Các món cháo nên hạn chế. Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên hạn chế ăn cháo lòng và các loại cháo ăn liền vì chúng thường chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, muối natri, chất bảo quản,… không tốt cho hệ tim mạch cũng như sức khỏe tổng thể.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected].
Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia… để trả lời cho bạn đọc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-24-7-nguoi-benh-tieu-duong-luu-y-gi-khi-an-chao-185241206102008634.htm