Theo các chuyên gia, để có hạnh phúc trong giáo dục, cần quan tâm đến hạnh phúc của người học, phát huy năng lực, sở trường của các em.
Để có hạnh phúc trong giáo dục, cần quan tâm đến cảm xúc của người học, tôn trọng và khuyến khích phát triển khả năng riêng của từng cá nhân. Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế “Hạnh phúc trong Giáo dục” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) thuộc Tập đoàn TH tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Học tập phải dựa trên niềm vui
Tham luận tại Hội thảo, ông Thomas Hobson (Teacher Tom), chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em, Hoa Kỳ khẳng định: “Trẻ em vốn yêu thích học tập từ khi sinh ra, say mê khám phá thế giới. Nhưng thật buồn khi chính hệ thống giáo dục tiêu chuẩn hóa lại dần tước đi niềm đam mê ấy.”
Là người đã dành phần lớn cuộc đời để nghiên cứu về giáo dục, ông Thomas cho rằng trẻ em chính là những “chuyên gia về chơi đùa” và quá trình chơi đùa chính là quá trình trẻ tự học hỏi, học cả từ những rủi ro có thể có trong khi chơi. Tuy nhiên, ngay cả khi chơi, trẻ cũng chỉ có thể chơi đùa thực sự khi trẻ có thể tự chọn chứ không phải chơi với sự chỉ đạo của người lớn.
Cùng quan điểm này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Ngô Tuyết Mai, Giảng viên Đại học Flinders, Úc cho hay các trường học ở Việt Nam luôn có khẩu hiệu “mỗi ngày tới trường là một ngày vui” nhưng để đạt được điều này, học sinh nên được giáo dục không chỉ về trí óc mà cả về trí tuệ cảm xúc. Trong khi đó ở Việt Nam, vấn đề cảm xúc của học sinh chưa được quan tâm đúng mức.
“Triết gia Hy Lạp Aristotle đã từng nói: Giáo dục trí óc mà không giáo dục trái tim thì không gọi là giáo dục. Vậy trên lớp học, chúng ta có dành một phút nào để đào tạo trái tim không hay chỉ tập trung vào dạy môn học gì, nội dung giảng dạy gì, cái kỹ năng gì?” bà Tuyết Mai đặt câu hỏi.
Theo bà Mai, nếu thực sự đặt mình vào địa vị của một đứa trẻ sẽ nhận thấy đứa trẻ nào cũng thích chơi. Nếu biến giờ dạy trên lớp học thành những giờ vui chơi, học mà chơi, chơi mà học, những hoạt động ở trên trường có ý nghĩa thì mỗi ngày đến trường sẽ thực sự là một ngày vui. Và niềm vui của người học khi tham gia các hoạt động ở trên lớp sẽ giúp cho chính người thầy cảm thấy mình đã đem đến được niềm vui cho người khác.
Là người từng trải nghiệm cả nền giáo dục Việt Nam và Úc, bà Mai cho rằng điều đầu tiên giáo viên nên làm khi vào lớp là nắm bắt được cảm xúc, sức khoẻ tinh thần của học sinh thay vì kiểm tra xem các em đã thuộc bài hay chưa.
Cũng theo bà Mai, mỗi học sinh có một tố chất khác nhau và khi các em được học tập trong niềm vui, các tố chất riêng của học sinh sẽ được bộc lộ dễ dàng hơn.
Toán và Văn không phải là tất cả
Tôn trọng tố chất riêng của mỗi học sinh và khuyến khích các em phát triển năng lực cá nhân cũng là chủ đề chính trong bài trình bày của Giáo sư Yong Zhao, giảng viên Đại học Kansas, Hoa Kỳ.
Dẫn chứng bằng lý thuyết về trí thông minh đa dạng Howard Earl Gardner, ông cho rằng mỗi học sinh có tố chất riêng, có em giỏi toán, có em giỏi văn, có em lại có thiên hướng về mỹ thuật hay âm nhạc, nhưng cách giáo dục và thiên hướng mong đợi của phụ huynh ngày nay đang yêu cầu học sinh phải giỏi toán và văn. Điều đó gây áp lực cho học sinh, trong khi theo nghiên cứu về tháp nhu cầu nổi tiếng của nhà tâm lý học Maslow, được thể hiện bản thân mới là nhu cầu cao nhất của con người.
Chia sẻ từ chính trải nghiệm bản thân, Giáo sư Yong Zhao cho hay ông sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của Trung Quốc, nơi mỗi trẻ em đều phải đi chăn trâu để phụ giúp gia đình. “Tôi là đứa trẻ kém cỏi trong làng vì tôi chăn trâu rất dở. Thật may là bố tôi thấy tôi không biết chăn trâu nên đã cho tôi đi học và vì vậy, hôm nay tôi có thể đứng ở đây,” Giáo sư Yong Zhao chia sẻ.
“Tôi thích câu nói của Maclow: Chúng ta phải là chính chúng ta. Hạnh phúc chân thực là chúng ta phải được sử dụng tiềm năng của chính mình. Hạnh phúc không phải cái gì đó quá to lớn, chỉ là mình được làm cái mình thích làm,” Giáo sư Yong Zhao nói.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Yong Zhao, giáo dục hiện nay đang có những sai lầm và khiến học sinh không được hạnh phúc. Học sinh không có quyền chọn môn học, giáo dục chưa cá nhân hóa. Ông cho rằng bằng việc xếp loại, các trường học đã dạy học sinh sự ích kỷ khi luôn phải cố gắng để vượt lên trên người khác trong khi nguyên tắc của việc xếp thứ tự là đã có em số một sẽ phải có em đội sổ và điều đó không chứng minh em đội sổ là kém cỏi.
Phân tích cụ thể hơn, Giáo sư Yong Zhao cho hay có một quy tắc trong giáo dục là 10.000 giờ. Nếu một người dành 10.000 giờ làm việc gì đó thì sẽ làm tốt việc đó. Nếu không có năng khiếu thì làm được ở mức trung bình, nếu có năng khiếu sẵn thì sẽ làm tốt hơn.
“Có hai khía cạnh: khả năng và sở thích, cái muốn làm và cái có thể làm. Không nên ép một người ở lĩnh vực họ vừa không thích, vừa không có khả năng. Cần định hướng cho trẻ có một sự nghiệp ở lĩnh vực các em thích và có khả năng, làm tốt và thích làm. Liệu các trường học và các phụ huynh có đủ dũng khí để đánh giá con em mình theo cách khác với truyền thống không?” Giáo sư Yong Zhao đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm này, ông Thomas Hobson chia sẻ: “Một trong những điều buồn nhất trong thế giới giáo dục là chúng ta đã nâng cao việc dạy chữ và toán lên rất cao, như thể chữ viết và toán học là tất cả của giáo dục. Đó là những gì chúng ta kiểm tra. Đó là cách chúng ta so sánh các quốc gia với nhau. Thực tế là hàng ngày chúng ta đều sử dụng toán học như một công cụ, nhưng nó không phải quá quan trọng trong cuộc sống.”
Mô hình PERMA – giáo dục trái tim
Theo bà Tuyết Mai, đây là mô hình đã giúp nhiều trường học ở Úc trở nên hạnh phúc và là một nhà nghiên cứu, bà nhận định đây là một trong những mô hình rất mạnh.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Ngô Tuyết Mai chia sẻ mô hình PERMA tại Hội thảo.
Với những nội dung thiết thực, thú vị, tư tưởng hiện đại và cởi mở, hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giáo viên, phụ huynh và những người làm trong ngành giáo dục.
“Tên gọi của Mô hình, PERMA, ghép từ chữ cái đầu của 5 từ tiếng Anh. P là Positive emotions tức là cảm xúc tích cực, là chạm vào trái tim của người học. Chữ E là Engagement – thu hút, không có sự thu hút thì việc học không xảy ra nên giáo viên cần biết cách thu hút người học. Chữ R – Relationships có nghĩa là quan hệ xã hội, là sự kết nối giữa thầy và trò, nếu sự kết nối không tốt thì thầy có giỏi đến đâu hiệu quả của giờ học cũng sẽ không cao. Vì vậy, thay vì quá tập trung vào dạy cái gì, dạy như thế nào, giáo viên hãy tập trung vào xây dựng mối quan hệ với người học. Chữ M – Meaning, là ý nghĩa, nếu tất cả những gì chúng ta dạy có ý nghĩa, điều đó sẽ giúp cho cả người thầy và người trò có niềm vui.
Nếu chúng ta hạnh phúc với 4 yếu tố: cảm xúc tích cực, thu hút, mối quan hệ tốt, ý nghĩa, thì chữ A cuối cùng – Archievement – Thành tựu sẽ xuất hiện. Đó là kết quả sẽ đến,” bà Tuyết Mai phân tích.
Theo bà Tuyết Mai, công thức PERMA không chỉ áp dụng trong trường học mà còn có thể áp dụng trong gia đình./.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực tổ chức ngày 23-24/11 tại Trường TH School (Hà Nội). Hội thảo có sự tham gia với vai trò diễn giả của nhiều chuyên gia có tiếng trong nước và quốc tế. Nội dung chính là gợi mở những cách thức để đào tạo thế hệ giáo viên có năng lực kiến tạo tiết học hạnh phúc, cũng như hỗ trợ để cha mẹ trở thành những “giáo viên” tại nhà, từ đó góp phần đổi mới giáo dục và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/hanh-phuc-trong-giao-duc-can-quan-tam-den-cam-xuc-cua-nguoi-hoc-post999361.vnp