Nhận diện thách thức khi triển khai thực tế
Thạc sĩ Phạm Phú Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) chia sẻ, trải dài lộ trình áp dụng BIM từ 2016 đến nay, giai đoạn 2023 – 2025 là dấu mốc quan trọng khi áp dụng Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 về bắt buộc áp dụng BIM đối với các công trình cấp I, II của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Tuy nhiên, ông Phạm Phú Đức nhìn nhận, có 5 khó khăn, thách thức của đơn vị tư vấn thiết kế là chi phí đầu tư, căn cứ pháp lý, giá trị dự án, nguồn nhân lực và cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó, chi phí đầu tư rất lớn, với phần đầu tư ban đầu như phần mềm, nhân sự.
Bên cạnh đó, để áp dụng BIM thành công, DN phải tạo ra giá trị, thu nhập. Nếu giá trị dự án không đủ sẽ làm cản trở sự phát triển của BIM. Ngoài ra, nguồn nhân lực còn thiếu về kinh nghiệm, năng lực, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Việc cạnh tranh không lành mạnh hiện là vấn đề nhức nhối nhất đối với nhà thầu. Các tiêu chí đánh giá năng lực BIM trong đấu thầu đôi khi thiếu minh bạch hoặc không thực sự phản ánh đúng khả năng của các đơn vị tham gia, làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh. Quy trình thẩm định và nghiệm thu dựa trên mô hình BIM chưa được chuẩn hóa, gây khó khăn trong việc kiểm tra và phát hiện sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
“Vì chưa có quy định phân cấp về các loại chứng chỉ chứng nhận chương trình đào tạo BIM đã dẫn đến thiếu cơ sở đánh giá năng lực và kinh nghiệm của DN, nên khi đấu thầu xảy ra tình trạng “cào bằng”, đánh giá chung giữa các bên tham gia thầu. Về tính chất đây là sự mất công bằng khi các DN bỏ ra rất nhiều chi phí để đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ” – ông Phạm Phú Đức cho hay.
Ngoài ra, lãnh đạo một số DN cho biết thêm, mặc dù BIM đang được khuyến khích áp dụng, tuy nhiên, nhiều gói thầu đã đưa ra các tiêu chí “lạ” không có trong quy định, hoặc chưa có sự đồng ý của người quyết định đầu tư. Thạc sĩ Trần Văn Tâm – Giám đốc Công ty CP IDECO Việt Nam cho biết, nhiều nhà thầu chưa cung cấp đầy đủ BEP (BIM Execution Plan) hoặc mô hình BIM đạt chuẩn ngay từ giai đoạn thiết kế, dẫn đến khó khăn cho việc triển khai các giai đoạn tiếp theo. Quy trình thẩm định và nghiệm thu dựa trên mô hình BIM chưa được chuẩn hóa, gây khó khăn trong việc kiểm tra và phát hiện sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Các chuyên gia nhìn nhận, trong những năm gần đây, nhận thức về BIM đã được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là trong các công ty xây dựng lớn, nhà thầu và chủ đầu tư lớn. BIM được xem là một công cụ giúp tối ưu hóa thiết kế, giảm thiểu sai sót trong quá trình thi công, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả quản lý công trình. Tuy nhiên, tại các công ty vừa và nhỏ, nhà thầu phụ và những dự án quy mô nhỏ vẫn chưa triển khai BIM một cách mạnh mẽ.
Gợi mở giải pháp
Kỹ sư Đỗ Thế Anh – Trưởng Phòng BIM – công nghệ thông tin, Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai cho biết, 4 trụ cột chính trong BIM bao gồm: công nghệ, quy trình, con người và chính sách. Trụ cột công nghệ là hạt nhân của BIM, cần xác định rõ mục tiêu áp dụng BIM cho dự án, đánh giá năng lực nội bộ, lựa chọn công nghệ tối ưu và tiến hành triển khai, đưa mục tiêu, công nghệ đã lựa chọn vào kế hoạch triển khai BIM.
Quy trình là bộ khung vận hành, khuyến nghị chung là tăng cường phối hợp giữa các bên, bảo đảm thông tin đồng bộ, chính xác và thiết lập các quy trình chuẩn hóa, linh hoạt. Con người là yếu tố cốt lõi của BIM, phải xây dựng đội ngũ chuyên môn cao, tạo môi trường làm BIM chuyên nghiệp, thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo và bảo đảm nguồn lực phù hợp cho các dự án.
Ngoài ra cần hỗ trợ để chính sách trở thành bệ đỡ, thúc đẩy sự phát triển của BIM, cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng khung pháp lý rõ ràng (ban hành các tiêu chuẩn BIM quốc gia, ban hành hướng dẫn triển khai BIM), khuyến khích DN áp dụng BIM như cung cấp các khoản hỗ trợ, ưu đãi thuế; đầu tư hạ tầng công nghệ dùng chung; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực BIM.
Thạc sĩ Trần Văn Tâm nhìn nhận, việc áp dụng BIM trong giai đoạn thiết kế vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sự phối hợp giữa thiết kế và BIM còn chồng chéo; mô hình và hồ sơ giấy chưa có sự thống nhất; trao đổi qua môi trường dữ liệu chung còn hạn chế; công tác thẩm định hồ sơ trên BIM chưa được chú trọng.
Thạc sĩ Trần Văn Tâm khuyến nghị, tư vấn BIM và thiết kế nên là một nhà thầu, nếu liên danh phải có sự phối hợp chặt chẽ. Các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định có liên quan đến áp dụng BIM; xây dựng kế hoạch và lên khung chương trình đào tạo áp dụng BIM nâng cao nhận thức cho chủ thể liên quan; cần có cơ chế để nghiên cứu, khuyến khích tạo ra những sản phẩm công nghệ của Việt Nam phù hợp với các quy định trong nước và góp phần giảm giá thành sản phẩm và bảo đảm an toàn dữ liệu quốc gia.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nhieu-kho-khan-khi-ap-dung-bim-trong-xay-dung.html