(NLĐO) – Tại “thung lũng sự sống” Gale Crater, robot Curiosity đã phát hiện bằng chứng mới về quá trình tiến hóa khí hậu của hành tinh đỏ.
Curiosity là một trong các chiến binh săn tìm sự sống mà NASA cử lên Sao Hỏa và khu vực Gale Crater mà nó đang thám hiểm từng là một đồng bằng sông cổ đại.
Mặc dù đã tìm thấy các “khối xây dựng sự sống” tại đây vài năm trước, nhưng Curiosity vẫn đang trên đường tìm kiếm cái gì đó cụ thể hơn, bao gồm cả bằng chứng về sinh vật cổ đại và các bằng chứng địa chất về một Sao Hỏa được cho là từng có khí hậu giống Trái Đất cổ đại.
Mới đây, một số mẫu khoáng chất giàu carbonat mà Curiosity thu thập được và phân tích sơ bộ nhờ “phòng thí nghiệm” mini trong bụng đã được các nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn bằng các công cụ gián tiếp từ Trái Đất.
“Các giá trị đồng vị của các khoáng chất carbonat này chỉ ra lượng bốc hơi cực lớn, cho thấy chúng có khả năng hình thành trong một khí hậu chỉ có thể hỗ trợ nước lỏng tạm thời” – TS David Burtt, Trung tâm Chuyến bay không gian Goddard của NASA, cho biết.
Phát hiện mới này không phải một tin tốt lành cho sự sống. “Các mẫu của chúng tôi không phù hợp với sinh quyển trên bề mặt Sao Hỏa, mặc dù điều này không loại trừ khả năng có một sinh quyển ngầm hoặc một sinh quyển bề mặt bắt đầu và kết thúc trước khi các khoáng chất này hình thành” – TS Burtt giải thích.
Khi nước bốc hơi, các đồng vị nhẹ của carbon và oxy có nhiều khả năng thoát vào khí quyển hơn, trong khi các đồng vị nặng bị bỏ lại, tích tụ với khối lượng lớn hơn.
Vì vậy, đá carbonat đã vô tình ghi lại lịch sử khí hậu của khu vực mà nó tồn tại.
Các đồng vị mà NASA vừa ghi nhận cho thấy ít nhất là tại Gale Crater này, có 2 kịch bản khả thi liên quan đến cơ chế hình thành carbonat.
Trong kịch bản đầu tiên, carbonat được hình thành thông qua một loạt các chu kỳ ướt – khô. Trong kịch bản thứ hai, carbonat được hình thành trong nước rất mặn dưới điều kiện lạnh, hình thành băng.
Những cơ chế này đại diện cho 2 chế độ khí hậu khác nhau và cũng là 2 kịch bản khác nhau cho sinh quyển được cho là từng tồn tại trên hành tinh.
Chu kỳ ướt – khô sẽ chỉ ra sự thay đổi giữa các môi trường thuận lợi để sinh tồn hơn và môi trường khó sống hơn, tức sinh vật nơi đây có thể đã trải qua những giai đoạn đầy biến động về môi trường gần như Trái Đất.
Với kịch bản lạnh lẽo hơn thứ 2, sinh vật Sao Hỏa cổ đại đã “vất vả” hơn sinh vật Trái Đất rất nhiều nếu như chúng thực sự từng tồn tại.
Cho dù kịch bản nào đúng, thì hành trình của Curiosity và các robot săn sự sống khác vẫn còn dài.
Nguồn: https://nld.com.vn/chien-tich-moi-cua-robot-nasa-2-kich-ban-ve-su-song-sao-hoa-196241011110645067.htm