(NLĐO)- Việc kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở dữ liệu và nguồn lực giám sát
Chia sẻ tại tọa đàm khoa học chủ đề “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” ngày 5-12 tại Hà Nội, PGS Hồ Quốc Bằng, ĐH Quốc gia TP HCM, cho hay ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM xuất phát chủ yếu từ giao thông, sản xuất công nghiệp và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tại Hà Nội, lượng phương tiện giao thông ước có 6 triệu xe máy và 690.000 ôtô, cùng khoảng 2.000 nhà máy công nghiệp, là nguyên nhân chính gây phát thải các chất ô nhiễm như CO, SO2, bụi mịn… Trong khi đó, tại TP HCM, có khoảng 7,4 triệu xe máy, ô nhiễm từ giao thông cũng chiếm phần lớn, đặc biệt là khí thải NOx (loại khí thải cực độc gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và môi trường) và carbon đen.
PGS Hồ Quốc Bằng cũng nhấn mạnh Việt Nam còn đối mặt với các thách thức từ các nguồn ô nhiễm khác như tập quán đốt rơm rạ và các chất thải nông nghiệp vẫn phổ biến tại nhiều vùng, phát thải từ vận tải biển. Trong khi đó, hiện nay, việc kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở dữ liệu và nguồn lực giám sát.
Chia sẻ nghiên cứu về aerosol (sol khí), GS Yafang Cheng, Giám đốc Khoa Hóa học Aerosol tại Viện Hóa học Max Planck (Đức), cho biết đây là một trong những thành phần chính gây ô nhiễm không khí và tạo sương mù đô thị. Ô nhiễm aerosol là nguyên nhân khiến 9 triệu người tử vong khi còn trẻ (theo số liệu năm 2019).
Bà cũng cho rằng các yếu tố khí tượng, như tầng đối lưu thấp vào mùa đông, khiến chất ô nhiễm tích tụ ở các đô thị, làm gia tăng hiện tượng sương mù và ô nhiễm nặng nề hơn.
GS Yafang nhận định để giảm ô nhiễm không khí, cần sự hợp tác quốc tế và đầu tư dài hạn. Mặc dù chi phí ban đầu có thể cao, nhưng những lợi ích lâu dài về môi trường và sức khỏe là vô giá. Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác với các quỹ nghiên cứu quốc tế và tổ chức môi trường… để tìm kiếm giải pháp bền vững cho tương lai.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí từ giao thông, GS Daniel Kammen, ĐH California, Berkeley, đề xuất tăng cường ứng dụng xe điện và năng lượng tái tạo. Ông nhấn mạnh rằng việc phát triển công nghệ pin sodium hoặc pin phi kim chi phí thấp có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Theo GS Daniel Kammen, tốc độ chuyển đổi hiện nay chưa đủ nhanh như kỳ vọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững. Bang California (Mỹ) đặt mục tiêu đến năm 2030 ngừng bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng hạ tầng trạm sạc cho xe điện rộng khắp.
GS. Susan Solomon từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) nói rằng sẽ không có cây “đũa thần” nào để giải quyết vấn đề ngay lập tức. Ô nhiễm không khí không có biên giới và cần sự hợp tác toàn cầu để giải quyết vấn đề này.
Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế, áp dụng công nghệ tiên tiến và triển khai các chính sách mạnh mẽ hơn để đối phó với các thách thức hiện tại. Chỉ khi mọi bên liên quan cùng chung tay, có những chính sách hỗ trợ để giảm chi phí, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện giao thông sạch thì mới có thể xây dựng một tương lai xanh và sạch hơn.
Các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Năm 2021, các bệnh tim mạch đã cướp đi 20,5 triệu sinh mạng, chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong. Trong số này, 85% là do đau tim và đột quỵ. Hơn 3/4 số ca tử vong do các bệnh tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Mặc dù có tới 80% các ca đau tim và đột quỵ sớm có thể được ngăn ngừa, nhưng 80% số ca tử vong do bệnh tim mạch lại xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình do hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc thiết yếu.
Tại tọa đàm “Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ” chiều 5-12, GS Valery Feigin (ĐH Công nghệ Auckland, New Zealand) cho biết hơn 70% đột quỵ có liên quan đến huyết áp. 10 năm gần đây, tỉ lệ mắc mới và hiện mắc đột quỵ tăng trở lại. Chi phí điều trị tốn kém tạo ra gánh nặng kinh tế, nhất là ở các quốc gia nhập thấp và trung bình.
Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc đột quỵ cao, mỗi năm có khoảng hơn 2.000 ca mắc mới, tỉ lệ tử vong cũng vậy. Tỉ lệ tử vong trong vòng 90 ngày chiếm 10%. Tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ.
PGS-TS, BS Nguyễn Ngọc Quang (Bệnh viện Bạch Mai và Trường ĐH Y Hà Nội) cho biết đã có nhiều biện pháp điều trị mới như dùng trí tuệ nhân tạo (AI), thay đổi công nghệ mới để điều trị bệnh lý tim; can thiệp nhịp, mạch cũng như có nhiều thuốc mới cho bệnh huyết áp… đã giúp tăng tuổi thọ bệnh nhân lên ít nhất 6 năm.
GS Alta Schutte, Đại học New South Wales (Úc) cho hay gần đây, các nhà khoa học đã đưa ra một số công nghệ ấn tượng trong điều trị tăng huyết áp và phòng ngừa đột quỵ. Một loại thuốc tiêm giúp hạ huyết áp là sáng kiến có khả năng cao sẽ được áp dụng trong thực tế. Mỗi lần tiêm có tác dụng trong 6 tháng, nó gần giống như một loại vắc-xin. Bệnh nhân sẽ không phải mua thuốc thường xuyên và bác sĩ cũng không phải theo dõi bệnh nhân có sử dụng thuốc đúng chỉ định hay không.
Nguồn: https://nld.com.vn/tim-cach-giai-bai-toan-o-nhiem-khong-khi-196241205204612641.htm