PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng thể chế, hạ tầng và con người là điều cần được chú trọng để phát triển văn hóa lâu dài. Trong đó, bao gồm việc thu hút các ngôi sao quốc tế đến biểu diễn tại TPHCM.
Bài học phát triển văn hóa từ Hàn Quốc, Singapore
Buổi tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa: Đâu là những trụ cột? vừa diễn ra tại Hội trường Báo Người Lao Động, TPHCM. Chủ trì tọa đàm gồm: PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Tiến sĩ Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn khẳng định TPHCM là thị trường phát triển công nghiệp văn hóa lớn nhất của đất nước. Trong đó, 3 trụ cột chính gồm thể chế, hạ tầng và con người là điều cần được chú trọng để phát triển văn hóa.
Theo ông, công nghiệp văn hóa là làm cho các lĩnh vực này chuyên nghiệp hơn, đi đúng theo quy luật thị trường. Theo đó, lấy con người là trung tâm, coi công nghiệp văn hóa là một phần trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ông Sơn dẫn chứng câu chuyện Bộ trưởng Văn hóa Singapore dẫn đầu một phái đoàn đến Los Angeles (Mỹ) để gặp gỡ các nhà tổ chức sự kiện và mời Taylor Swift tới biểu diễn, tạo hiệu ứng lớn về kinh tế – xã hội.
Đây là bài học với nhà quản lý lẫn các cá nhân, đơn vị thuộc lĩnh vực này trong nước. Về lâu dài, ông Sơn cho rằng cần sự chung sức của các bên liên quan. Nhà nước chỉ đóng vai trò gián tiếp, là “cánh tay nối dài” hỗ trợ hoạt động văn hóa – nghệ thuật.
Ông Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu, lợi nhuận từ công nghiệp văn hóa trở thành mũi nhọn tại một số quốc gia. Chẳng hạn, chỉ riêng nhóm nhạc thần tượng BTS mỗi năm mang lại cho kinh tế Hàn Quốc 5 tỷ đô.
Theo ông Tuân, dân số Việt Nam đông hơn Hàn Quốc. Văn hóa nước ta cũng có nhiều tiềm năng, hoàn toàn không thua kém nước bạn nhưng vẫn chưa có nhiều hoạt động hay dự án xứng tầm, mang đến sự phát triển và tiềm năng lâu dài cho xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM lý giải sự thành công của văn hóa Hàn Quốc không chỉ một sớm một chiều. Điều này đòi hỏi chiến lược đường dài từ các cơ quan ban ngành.
Trong đó, truyền thông cũng là một trụ cột quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Truyền thông với vai trò đi trước, tiếp thu ý kiến của người dân và từ đó có sản phẩm văn hóa phù hợp.
Ông Hồi thông tin TPHCM đang trình đề án xây dựng thương hiệu và hình ảnh thành phố với nhiều sản phẩm văn hóa. Mục tiêu chung của cơ quan quản lý là làm sao nâng tầm văn hóa và hướng ra thế giới. Theo kế hoạch, mỗi tháng sẽ có 1 sự kiện, sản phẩm văn hóa góp phần phát triển xã hội – du lịch, đặc biệt năm 2025 hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Khi công nghiệp văn hoá trở thành “ngọn hải đăng”
Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng trụ cột đầu tiên phải bàn tới là vấn đề cơ chế. Nhiều năm qua, các đơn vị phát triển văn hóa theo hướng phong trào, thay vì xây dựng đời sống văn hóa. Theo ông, đây là cơ chế không phù hợp với công nghiệp văn hóa hiện tại.
Việc sử dụng kinh phí văn hóa của một số nơi chưa phù hợp, khiến các hoạt động thiếu hiệu quả, không mang lại sức bật cho ngành.
Ông Dương dẫn chứng ở Australia, chính phủ đều tạo cơ hội công bằng để các đơn vị cá nhân tự do phát triển theo hướng “xã hội hóa”. Các sân khấu sẽ tham gia “đấu thầu”, đăng ký để được duyệt dự án do cơ quan chức năng ấn hành hàng năm. Điều này góp phần tạo sự thông thoáng, mở rộng khả năng sáng tạo cho các ê-kíp nghệ thuật, đồng thời phát hiện những nhân tố tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa.
“Ở nước ngoài không có chuyện một năm nhà hát nhận chừng đấy tiền mà không có dự án nào đi vào lòng công chúng”, ông Lê Quý Dương nói.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ nỗi trăn trở về thế hệ kế thừa, thông qua việc đào tạo nhân lực hiện tại. Bên cạnh chuyên môn tay nghề, anh mong các bạn trẻ được tạo điều kiện để học hỏi, tiếp cận cách làm việc ở môi trường quốc tế.
Trong khi điện ảnh Hàn Quốc có khoảng cách quá xa với Việt Nam, Nguyễn Quang Dũng đề xuất mọi người nên nhìn sang Thái Lan. Nước này có chính sách thông thoáng, mở cửa chào đón các đoàn làm phim quốc tế. Họ hỗ trợ tối đa về chính sách, thuế, phương tiện, bối cảnh… giúp ê-kíp các nước thuận lợi hoàn thành dự án.
Việc tạo cơ chế thông thoáng là cách hữu hiệu để thu hút các đoàn phim nước ngoài đến với Việt Nam, cũng là cầu nối để lực lượng trong nước cọ xát, tiếp thu kinh nghiệm từ họ.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và chính sách cũng là rào cản khiến chúng ta khó phát triển văn hóa. Ông Phạm Đình Tâm – đại diện Công ty IME Việt Nam, đơn vị đưa nhóm BlackPink về biểu diễn tại Việt Nam cho biết cơ chế của Việt Nam phức tạp, khiến các đối tác nước ngoài ngại làm việc. Từ việc xin giấy phép hoạt động, các quy định liên quan khá nhiêu khê đối với các nhà tổ chức.
Địa điểm biểu diễn được xem là yếu tố hạn chế khiến các nhà sản xuất, nghệ sĩ nước ngoài e ngại chọn TPHCM làm điểm đến. Các nơi làm show đều được xây dựng từ 20 năm trước, cơ sở vật chất xuống cấp theo thời gian, trong khi tiêu chuẩn của ngôi sao quốc tế ngày càng cao.
Từ cuộc tọa đàm, PGS-TS Bùi Hoài Sơn đưa ra giải pháp cho các vấn đề gây vướng mắc, tồn tại, hạn chế công nghiệp văn hóa. Một là, quan tâm tài năng sáng tạo, hoàn thiện hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghệ thuật. Từ đó, phát triển ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam.
Hai là, xây dựng thương hiệu đặc trưng của mỗi doanh nghiệp, địa phương. Ba là, chú ý đến công nghệ mới, khai thác giá trị của công nghệ để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa. Thứ tư, đầu tư các lĩnh vực giáo dục, truyền thông… nhằm tạo ra sự quan tâm rộng rãi đến công nghiệp văn hóa.
“Tôi mong muốn công nghiệp văn hoá trở thành ‘ngọn hải đăng’ dẫn dắt các ngành công nghiệp khác tại TPHCM phát triển vượt bậc”, ông nói.
Ảnh: BTC, tư liệu
Nguồn: https://vietnamnet.vn/lam-sao-bien-tphcm-la-diem-den-thuong-xuyen-cua-sao-quoc-te-2348757.html