(Dân Sinh) – Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Lương Cường tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa sáng 5/12.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, sáng 5/12, Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Cùng tham gia buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; ông Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Đào Ngọc Dung, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương…
GRDP đạt hơn 12%, đứng thứ 2 cả nước
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm (giai đoạn 2021-2024) ước đạt 9,92%;
Trong đó năm 2024 ước đạt 11,7%2%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước.
GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 3.360 USD, gấp 1,52 lần so với năm 2020. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 54.341 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm ước đạt 13,9%.
Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2024 ước đạt 548,8 nghìn tỷ đồng… Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân chung của cả nước.
Tại buổi làm việc Chủ tịch nước Lương Cường ghi nhận, đánh giá cao về kết quả phát triển kinh tế của tỉnh, tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân được nâng lên…
Các chính sách an sinh xã hội, theo Chủ tịch nước, đã được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19;
Hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách, đồng bào sinh sống trên sông xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2024 còn 2,12%, bình quân giảm 1,55%/năm.
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa;
Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.
Đây được xem là “chìa khóa” quan trọng, là tiền đề để Thanh Hóa bứt phá trong tương lai; đồng thời, tiếp tục khẳng định sự tin tưởng, kỳ vọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2025 Thanh Hoá cần xoá hết nhà tạm, nhà dột nát
Thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội nghị, trên cơ sở gợi mở của Chủ tịch nước Lương Cường, các thành viên của Đoàn công tác Trung ương ấn tượng và đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa, nhất là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm luôn ở mức cao.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong suốt thời gian qua, Bộ luôn đồng hành cùng với tỉnh Thanh Hoá trong công tác an sinh xã hội, đặc biệt là Bộ đã kêu gọi hỗ trợ 150 tỷ đồng xoá nhà tạm, nhà dột nát, người dân có an cư mới lạc nghiệp.
Chia sẻ những khó khăn với Thanh Hóa, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng, cùng với Trung ương phấn đấu năm 2025 xoá hết nhà tạm, nhà dột nát.
Cùng với đó, quan tâm đặc biệt đến các vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tranh thủ mọi nguồn lực, lợi thế, thời cơ để phát triển, thu hút đầu tư, tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước đề nghị: “Tỉnh Thanh Hoá cần quan tâm hơn nữa việc phát triển kinh tế – xã hội của các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, nơi cơ sở hạ tầng và đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn… Nhất trí rất cao chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Riêng Thanh Hóa thì quyết tâm xóa nhà tạm cho đối tượng chính sách thì có cả hộ nghèo… hướng đến giảm nghèo bền vững. Tỉnh cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt, hiệu quả để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025; trong đó, cần tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp bảo đảm tăng ướng đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã sống của người dân, chăm lo tốt nhất cho đời sống người dân…”.
Tiếp thu đầy đủ, quán triệt sâu sắc và triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch nước, Bí thư tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh mong muốn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chủ tịch nước và lãnh đạo Trung ương để tỉnh tiếp tục tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội.
Qua đó “khẳng định vị thế, vai trò đầu tàu của một trung tâm kinh tế năng động vùng Bắc Trung bộ, có đóng góp ngày quan trọng vào sự phát triển của đất nước”, Bí thư tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/chu-tich-nuoc-luong-cuong-thanh-hoa-can-tang-toc-tao-but-pha-20241205141135512.htm