TPO – Mùa cam năm 2024 xuất hiện tình trạng rụng quả hàng loạt khiến nhiều vườn rơi vào cảnh trắng tay. Tuy nhiên, nhờ tuyệt chiêu và kinh nghiệm của mình, vườn cam của ông Trương Văn Biên (huyện Yên Thành, Nghệ An) giảm rụng và sai trĩu quả.
TPO – Mùa cam năm 2024 xuất hiện tình trạng rụng quả hàng loạt khiến nhiều vườn rơi vào cảnh trắng tay. Tuy nhiên, nhờ tuyệt chiêu và kinh nghiệm của mình, vườn cam của ông Trương Văn Biên (huyện Yên Thành, Nghệ An) giảm rụng và sai trĩu quả.
Video vườn cam của lão nông ở xã Đồng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho thu hoạch tiền tỉ mỗi năm. |
Sau nhiều tháng dày công chăm sóc, hơn 2.400 gốc cam Xã Đoài lòng vàng trong trang trại của ông Trương Văn Biên (trú xã Đồng Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã bắt đầu chín và cho thu hoạch. |
Năm nay trang trại cam của ông Biên chỉ đạt năng suất hơn 50 tấn quả, giảm 20 tấn so với những năm trước. Một phần do cây cam không đậu quả. Một phần vì vụ cam năm nay rụng nhiều. |
“Năm nay thấy cây cam rất lạ. Thông thường chỉ ra hoa 1 đợt thì năm nay ra hoa 2 đợt nhưng không đậu quả nhiều. Khi chăm sóc quả cam bắt đầu to thì lại rụng. Từ tháng 7,8,9 âm lịch, cam rụng hàng loạt, trông mà xót”, ông Biên cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rụng cam phần lớn do khí hậu, sương muối và phần còn lại do côn trùng, sâu bọ. |
Khi thấy hiện tượng cam rụng, ông Biên bắt đầu ra vườn tìm hiểu và phát hiện đợt rét về sớm và có hiện tượng sương muối. Với kinh nghiệm hơn chục năm trồng cam của mình, ông Biên khẩn trương lắp đặt hệ thống tưới nước để rửa cho cây cam. Cùng với đó ông chăm sóc, bổ sung thêm chất vào đất. |
Sau khi áp dụng các biện pháp, cây cam trong vườn ngừng rụng quả và phát triển ổn định trở lại. “Cũng may mình phát hiện sớm và xử lý kịp thời nên giảm được tình trạng rụng quả. Ở trong xã, nhiều trang trại rụng hàng loạt, có nhà trắng tay với vụ cam này”, ông Biên nói. |
Ngoài việc áp dụng “tuyệt chiêu” để chống cam rụng, ông Biên còn tự sáng chế ra loại nước giúp đuổi côn trùng như bướm, ruồi vàng và các loại sâu bọ có hại khác cho cây cam. |
Để đuổi các loại côn trùng có hại, ông Biên ủ 2 chế phẩm sinh học. Một loại ủ từ riềng, gừng, tỏi, ớt cay thêm dấm để phun trừ sâu, nhện. Một loại ông Biên ủ từ các loại cá đồng trộn với mật và ủ lên men trong 6 tháng. Khi cam ra trái, ông Biên sử dụng các chế phẩm sinh học của mình sáng chế rồi phun cho cây cam. Một loại ông Biên cho vào các chai nhựa treo ở cành cây để đuổi côn trùng. |
Dưới gốc cam, ông Biên để những cây cỏ tươi tốt hỗ trợ làm mát đất, giữ nước cho cây. |
Với những bí quyết và các chế phẩm sinh học tự mình sáng chế, đến nay vườn cam của ông Biên sai trĩu quả, cho thu hoạch rải rác từ nay đến dịp Tết Nguyên đán. |
Hàng ngày, ông Biên thuê 2-3 người về thu hoạch bán cho khách với trung bình từ 1-2 tạ cam mỗi ngày. |
Với giá bán từ 35-45 nghìn đồng/1kg, dự kiến với 50 tấn cam ông Biên sẽ có lãi hơn 1 tỉ đồng sau khi trừ hết các chi phí. |
Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Đồng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết, toàn xã hiện có 128ha cam. Trong đó có 70ha đã cho thu hoạch quả, sản lượng đạt gần 1.000 tấn mỗi năm. Năm nay, nhiều vườn cam trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng rụng quả khiến sản lượng cam toàn xã có xu hướng giảm. |
“Những năm qua, một số chủ vườn cam đã chủ động dùng các loại chế phẩm sinh học hoặc đầu tư làm màng lưới để xua đuổi sâu bọ, ruồi vàng thay cho các loại thuốc hóa chất. Nhờ vậy, thương hiệu cam Đồng Thành ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, tin dùng vào dịp Tết, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân”, Chủ tịch xã Đồng Thành nói. |
Nguồn: https://tienphong.vn/lao-nong-xu-nghe-tiet-lo-bi-quyet-chong-rung-cam-dac-san-post1697697.tpo