Để di sản góp phần phát triển du lịch
(Tổ Quốc) – Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, An Giang. Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Nam Bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Việt trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với cộng đồng người Khmer, Hoa, Chăm.
Mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam bộ
Trong tín ngưỡng của người dân Châu Đốc nói riêng, vùng Nam Bộ nói chung, Bà Chúa Xứ núi Sam nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và hình thức diễn xướng dân gian khác.
Theo truyền thuyết, từ xa xưa, khi vùng núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Thời gian đó, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta. Có lần, chúng lên đỉnh núi Sam, gặp pho tượng cổ này. Dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển được tượng.
Dân làng thấy vậy, có ý muốn “thỉnh” tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động, nhưng không sao nhấc pho tượng lên được. Khi các bô lão trong làng cầu khấn, thì được mách “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa Bà xuống núi”. Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng Bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng, Bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ.
Lễ hội diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27/4 âm lịch hằng năm tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam. Lễ hội tôn vinh Bà Chúa Xứ cũng là dịp người dân thể hiện lòng tin yêu, tri ân, tôn kính đối với những người có công với dân với nước. Tục lễ Bà, tham gia lễ hội cũng để thỏa mãn niềm tin và sự mong cầu về sức khỏe, bình an và tài lộc của cộng đồng Khmer, Chăm, Hoa, Việt ở Châu Đốc, An Giang cũng như cư dân vùng Tây Nam Bộ.
Hằng năm, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút đông đảo du khách hành hương, dâng lễ và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên của vùng đất An Giang.
Năm 2014, Lễ hội được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” thể hiện sự trân trọng đối với loại hình lễ hội dân gian đặc sắc này. Đây là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại TP. Châu Đốc, mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm.
Chính lễ diễn ra với các nghi thức, gồm: Lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống lăng miếu; lễ tắm Bà; lễ túc yết và xây chầu; lễ chánh tế; lễ hồi sắc… Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, như: Biểu diễn lân – sư – rồng, đua thuyền; văn nghệ; biểu diễn nhạc ngũ âm Khmer, hát bội truyền thống… phục vụ người dân địa phương và khách hành hương.
Đáp ứng 5 tiêu chí nổi bật toàn cầu
Ngày 4/12/2024, tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Trung tâm hội nghị Conmebol, thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay, di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thời gian tới, An Giang sẽ chủ động, tích cực hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di sản nhằm quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh văn hóa, con người An Giang đến với Nhân dân trong và ngoài nước để các giá trị di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam mãi được giữ gìn, trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau, mãi trường tồn và phát triển cùng dân tộc.
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đáp ứng ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với 5 tiêu chí nổi bật toàn cầu: (1) Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được cộng đồng người Kinh, Khmer, Chăm và Hoa tại thành phố Châu Đốc tổ chức. Di sản này bao gồm việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo và nghệ thuật diễn xướng dân gian để bày tỏ lòng biết ơn đối với Nữ thần Xứ sở. Các nghi lễ, phong tục và kỹ năng thực hành nghi lễ liên quan đến di sản này được trao truyền trong gia đình và cộng đồng thông qua truyền miệng, thực hành trực tiếp và tham gia vào lễ hội. Lễ hội thúc đẩy giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng và hòa hợp dân tộc, đồng thời là phương tiện để khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội và những đóng góp của cha ông trong việc xây dựng đất nước.
(2) Di sản góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, phát triển kinh tế toàn diện, cũng như thúc đẩy hành động bảo vệ bền vững môi trường và khí hậu, bảo vệ hòa bình và gắn kết xã hội. Cụ thể, di sản góp phần vào sự gắn kết xã hội của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam và thúc đẩy sự tôn trọng văn hóa thông qua việc thể hiện nguyện vọng chung của các cộng đồng tham gia lễ hội về một cuộc sống an khang, thịnh vượng và hòa bình. Di sản cũng khuyến khích sự tham gia của mọi người thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, không phân biệt địa vị xã hội, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới.
(3) Nhà nước đã đề xuất các biện pháp bảo vệ, bao gồm các nỗ lực cùng với đại diện thành viên cộng đồng thực hành và trao truyền di sản, tận tâm truyền đạt kiến thức liên quan về lễ hội cho con cháu trong gia đình và các thành viên trong cộng đồng. Lễ hội đã được đưa vào tài liệu giảng dạy tại các trường trung học địa phương và những người phụ trách các Hội đoàn tích cực kết nối, vận động các thành viên cộng đồng cùng nghệ nhân tham gia tổ chức, thực hành lễ hội. Các ấn phẩm, phim ảnh và các dự án nghiên cứu và tư liệu hóa tiếp tục quảng bá di sản này một cách rộng rãi đến công chúng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã hỗ trợ các cộng đồng trong việc tu bổ và tôn tạo các không gian thực hành di sản.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút đông đảo du khách hành hương, dâng lễ và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên của vùng đất An Giang
(4) Hồ sơ đề cử đã thể hiện rõ vai trò của các cơ quan, các nghệ nhân và đại diện cộng đồng để xây dựng hồ sơ đề cử. Các cuộc họp đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện từ các cộng đồng Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Các đại diện cộng đồng đã xây dựng kế hoạch bảo vệ, cung cấp dữ liệu về những đồ vật phục vụ nghi lễ, đề cử di sản và cung cấp các tài liệu bắt buộc khác bao gồm video, ảnh và thư đồng thuận. Hồ sơ đề cử đã cung cấp đầy đủ các thư đồng thuận và cam kết bảo vệ từ các cộng đồng liên quan khác nhau.
(5) Di sản được đưa vào Danh mục quốc gia Di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể của An Giang và của quốc gia trong Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể do Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Danh mục kiểm kê được cập nhật hàng năm với sự phối hợp của đại diện cộng đồng và nghệ nhân. Thông tin về quy trình kiểm kê dựa trên cộng đồng được đã đưa vào Báo cáo định kỳ quốc gia của Việt Nam.
Để di sản góp phần phát triển du lịch
Sau 10 năm được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tiếp tục được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm to lớn cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thời gian tới, An Giang sẽ chủ động, tích cực hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di sản nhằm quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh văn hóa, con người An Giang đến với Nhân dân trong và ngoài nước để các giá trị di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam mãi được giữ gìn, trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau, mãi trường tồn và phát triển cùng dân tộc.
Đồng thời, tăng cường công tác tu bổ, tôn tạo di tích miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và phát huy tinh thần giá trị to lớn của Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Đặc biệt, phải khẳng định, Lễ hội là tài sản tinh thần vô giá của các cộng đồng dân tộc tại địa phương, du khách trong và ngoài nước. Từ tầm quan trọng to lớn đó, vấn đề tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội là rất quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Nghiên cứu các vấn đề pháp lý để bổ sung, ban hành các quy định trong quá trình thực hiện Lễ hội; cần giữ nguyên các giá trị văn hóa, tinh thần của Lễ hội, chú trọng đến văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Các hoạt động nghệ thuật trong quá trình diễn ra Lễ hội phải có nội dung phù hợp, thu hút mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trí thức và tầng lớp trẻ… Không gây lãng phí, phải có tính giáo dục cao trong cộng đồng và xã hội… Thực hiện mạnh mẽ, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế công tác tuyên truyền để tạo sự chuyển biến nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể các cấp về nội dung và ý nghĩa hoạt động lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Nhất là, tập trung tuyên truyền các giá trị lịch sử, văn hóa cũng như những quy định của pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức…
Bên cạnh đó, cần tổ chức rộng rãi các hoạt động du lịch, các hình thức du lịch, trong đó chú trọng vào du lịch tâm linh, gắn lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam với các di tích văn hóa, lịch sử lân cận. Kết nối với các tour, tuyến, điểm du lịch lớn của tỉnh An Giang để tăng cường hoạt động quảng bá cho lễ hội. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu về lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam để đánh giá đúng giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở đó, ban hành các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá, phát triển du lịch cho TP. Châu Đốc và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang chia sẻ, việc được UNESCO ghi danh sẽ tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở địa phương, cộng đồng dân cư. Bí thư tỉnh ủy An Giang cũng khẳng định cam kết sẽ cùng cộng đồng bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị của di sản văn hóa này, bảo đảm gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững./.
Nguồn: https://toquoc.vn/de-di-san-le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-gop-phan-phat-trien-du-lich-20241205110052378.htm