(CLO) Chính phủ Ý vừa bồi thường 800.000 euro cho gia đình của một nạn nhân có tên Metello Ricciarini trong vụ thảm sát dân thường do quân phát xít Đức thực hiện tại Tuscany vào năm 1944.
Đây là quyết định mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận của Ý đối với các tội ác thời Thế chiến II, và có thể tạo tiền lệ cho các gia đình nạn nhân khác.
Ngày 29/6/1944, tại làng Civitella in Val di Chiana, cách Rome khoảng 220 km, Metello Ricciarini cùng 243 người dân vô tội đã bị sát hại trong một cuộc trả thù của phát xít Đức.
“Gia đình chúng tôi rất hài lòng khi nhận được khoản bồi thường từ Bộ Kinh tế vào tuần trước”, luật sư Roberto Alboni, cháu của nạn nhân Ricciarini chia sẻ. Ông cho biết gia đình đã phải đấu tranh suốt hai thập kỷ để đạt được sự công nhận này.
Năm 1962, Đức đã trả Ý 40 triệu mark (tương đương hơn 1 tỷ euro ngày nay) để bồi thường thiệt hại do quân Đức Quốc Xã gây ra cho nhà nước và người dân Ý trong Thế chiến II. Tuy nhiên, thỏa thuận này chuyển trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân cá nhân sang Chính phủ Ý, và trong nhiều thập kỷ sau đó, không có hành động nào được thực hiện.
Năm 2022, Thủ tướng Mario Draghi của Ý khi đó đã thành lập một quỹ trị giá 61 triệu euro nhằm đáp ứng các yêu cầu bồi thường ngày càng tăng từ nạn nhân và con cháu của họ. Quân phát xít Đức trong các cuộc thảm sát thường nhận được sự hỗ trợ từ những phần tử phát xít Ý.
Thượng nghị sĩ Dario Parrini từ đảng Dân chủ đối lập, người theo dõi sát sao vấn đề này, nhận định: “Đây là kết quả đầu tiên quan trọng trong cuộc đấu tranh nâng cao nhận thức về việc bồi thường cho các hậu duệ của nạn nhân các tội ác phát xít”.
Một nghiên cứu do chính phủ Đức tài trợ và công bố năm 2016 ước tính có khoảng 22.000 người Ý là nạn nhân của tội ác chiến tranh Đức Quốc xã, trong đó bao gồm tới 8.000 người Do Thái bị trục xuất đến các trại tử thần. Ngoài ra, hàng nghìn người Ý khác bị buộc làm lao động nô lệ tại Đức.
Hồng Hạnh (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/lan-dau-tien-y-boi-thuong-cho-nan-nhan-duoi-thoi-phat-xit-post324242.html