(NB&CL) Sân khấu từng có thời kỳ vàng son, khán giả lần lượt xếp hàng mua vé bởi sàn diễn bám sát những vấn đề nóng hổi của cuộc sống, người xem thấy câu chuyện trong vở diễn là của chính bản thân họ. Thế nhưng, bây giờ sân khấu đang thiếu những kịch mục đa dạng, các nhà hát thích dựng vở lịch sử và dân gian, né tránh những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc.
Sàn diễn lạm phát chuyện “ở đẩu đâu”
Tại tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức, nhiều ý kiến đã đề cập những vấn đề bất cập vẫn tồn tại lâu nay trong khâu kịch bản sân khấu Việt, xác định nguyên nhân, tìm giải pháp cho vấn đề này.
Nêu ý kiến về thực trạng kịch bản sân khấu hiện nay, các diễn giả đều đồng tình cho rằng, chúng ta vẫn đang thiếu những kịch bản hay để có thể dàn dựng thành một vở diễn tốt. Sân khấu đang trong tình trạng “ăn đong”, nên dẫn tới tình trạng vay mượn kịch bản nước ngoài, hoặc lôi những kịch bản cũ ra dàn dựng lại. Tác giả Giang Phong nhận định, đề tài hiện đại trên sàn diễn chỉ chiếm 10%, còn lại sân khấu dành cho “chuyện ông hoàng, bà chúa, chuyện tình sử ở đẩu đâu đâu”.
Theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, thiếu kịch bản hay đang là “vấn đề rất nóng bỏng”. Chiếm không ít trên sân khấu hiện nay là những kịch bản cũ mòn với một mô típ nhàm chán. Trong kịch bản chống tham nhũng, thường nhân vật tham nhũng là ông giám đốc và kiểu gì cũng có cô thư ký là bồ bịch. Vở về chiến tranh thường sẽ có hai phần chiến trường và hậu chiến. Phần chiến trường có kẻ hèn, người dũng cảm. Đến phần hậu chiến thì người dũng cảm, nhân hậu xưa thường yếm thế, khó khăn. Kẻ hèn nhát, cơ hội ngày xưa thì giờ là giám đốc doanh nghiệp hoặc có chức sắc đang làm bậy. Cuối cùng anh em đồng đội cũ tụ họp giải quyết vấn đề, tháo gỡ xung đột kịch!
“Nhiều kịch bản chỉ thấy chuyện, không thấy người. Vở diễn như kể chuyện bằng lời thoại, minh họa một truyện ngắn, một bài báo phóng sự. Dường như tác giả ngồi thường trực trên sân khấu nhờ diễn viên nói hộ mình từng lời kể sự kiện, giải thích mà thiếu những nhân vật với đời sống nội tâm phong phú”, ông Lê Quý Hiền nói.
Xác định kịch bản là khâu đầu tiên, có vị trí quan trọng trong vở diễn vì “có bột mới gột nên hồ”, tuy nhiên, ông Lê Quý Hiền cho rằng, sân khấu là nghệ thuật tổng hợp mà tác giả chỉ là một thành phần trong ê kíp sáng tạo. Vậy nên chuyện hay dở, khán giả quan tâm hoặc quay lưng trước tác phẩm thường là trách nhiệm chung, chưa có ai tìm ra nguyên nhân nằm cụ thể ở khâu nào. Thành công thì do công sức tập thể, thất bại thì lại vì lý do “có bột mới gột nên hồ”.
Đề cập đến vai trò của biên kịch, tác giả Trương Thị Huyền cho rằng, ai cũng biết rằng, một vở diễn hay chắc chắn phải bắt nguồn từ một kịch bản tốt và người biên kịch sân khấu vô cùng quan trọng. Nhưng ít ai biết rằng, lâu nay đối tượng biên kịch sân khấu bị “bỏ quên”.
Theo bà Huyền, nếu ngày trước, biên kịch sân khấu nằm trong biên chế của một đơn vị, nhưng hiện nay do khó khăn về tài chính, các nhà hát không còn muốn “nuôi” biên kịch nữa. Hầu hết các biên kịch bây giờ đều làm việc tự do, không thuộc cơ quan nào, không có thu nhập ổn định, họ hoàn toàn sống bằng việc “bán chữ”. Thế nên, những người làm nghề biên kịch đã rất ít ỏi rồi, nhưng nếu ai còn viết kịch bản sân khấu thì cũng là công việc họ làm thêm trong lúc rảnh rỗi, vì niềm đam mê mà thôi.
“Ở miền Bắc gần như không có biên kịch sân khấu trẻ chuyên nghiệp. Biên kịch, nếu có thể sống được bằng nghề thì hiện tại ở miền Bắc chỉ có biên kịch phim truyền hình do cầu nhiều, lượng phát sóng lớn. Biên kịch sân khấu, nếu muốn gắn bó với nghề bền bỉ cần phải có một nguồn thu nhập ổn định để sống qua ngày. Điều đó có nghĩa, họ phải đi làm một công việc ổn khác, rồi dành chút thời gian rảnh rỗi cho niềm đam mê viết kịch bản sân khấu”, bà Huyền nói.
Nữ tác giả cũng cho rằng, trong lĩnh vực kịch bản sân khấu không có thần đồng. Người viết phải học, phải biết rất nhiều. Nhưng với một người làm việc tự do, họ không có tư cách gì để thâm nhập thực tế sáng tác ở các cơ quan, đơn vị. Quan trọng hơn, muốn được đào tạo bài bản thì để theo học một lớp biên kịch sân khấu sẽ phải đợi 5 năm, thậm chí là 10 năm. “Đó là khoảng thời gian trung bình mà Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có thể mở được một lớp biên kịch sân khấu với đầu vào khoảng 20 sinh viên. Và khi tốt nghiệp còn khoảng 1/2 số đó, số làm được nghề, sống được với nghề còn ít hơn”.
Đạo diễn cần được trao “chìa khoá”
Theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, kịch bản sân khấu viết ra vốn không phải để “đọc” mà cần được dàn dựng trên sàn diễn cho đối tượng tiếp nhận “xem”. Tuy nhiên, hiện nhiều đơn vị khoán trắng cho đạo diễn tìm kịch bản hoặc mời đạo diễn trước khi có kịch bản, thay vì có kịch bản mới mời đạo diễn phù hợp. Tình trạng này dẫn đến việc đạo diễn và tác giả không hiểu nhau, nhiều khi đạo diễn không tìm được “chìa khóa mở kịch bản”, tự sửa chữa, cắt xén “cho hay hơn”. “Thành ra kịch bản như bản vẽ của kiến trúc sư định xây trụ sở, bệnh viện đã được duyệt mà đạo diễn như kỹ sư xây dựng để cho hay hơn lại biến thành xây khách sạn. Khi vở diễn thành sự đã rồi buộc hội đồng nghệ thuật từng duyệt kịch bàn này cuối cùng phải duyệt vở diễn khác”, ông Hiền ví von.
Đứng ở góc độ người dàn dựng, đạo diễn Đường Minh Giang cho rằng, việc triển khai kịch bản sân khấu phụ thuộc chặt chẽ vào loại hình nghệ thuật, phụ thuộc ý đồ của đạo diễn. Tuy nhiên, nhiều người viết kịch trẻ vốn liếng hiểu biết về lịch sử và văn hóa còn hạn chế. Lỗ hổng kiến thức này khiến họ đưa các nhân vật lịch sử méo mó theo cách nghĩ, cách tưởng tượng chủ quan của mình. Ông Giang cho rằng, đây là điều đáng báo động, là điều các cơ quan quản lý văn hoá phải lưu ý, quan tâm.
Lý giải việc khan hiếm kịch bản sân khấu đề tài hiện đại trên sàn diễn, tác giả Giang Phong cho rằng nguyên nhân đến từ “cơm áo, gạo tiền”. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các loại hình giải trí khác, các đơn vị sân khấu buộc phải chủ động xây dựng kịch mục phù hợp để có doanh thu. Ngoài ra, lãnh đạo các nhà hát vẫn còn tâm lý “sợ” động chạm đến những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm khiến cho vở diễn có thể không được lên sàn diễn. Dựng vở lịch sử, dân gian dù sao vẫn an toàn hơn. Tác giả Giang Phong cảnh báo, việc xa lánh thực tại, xa lánh yêu cầu của Đảng về văn hóa văn nghệ, đó là sự chệch hướng. Nếu tình trạng này kéo dài, chỉ có nhân dân thiệt mà thôi.
Để khắc phục thực trạng “thiên lệch đề tài quá khứ, lảng tránh đề tài hiện đại”, các diễn giả đề xuất một số giải pháp như đơn vị sân khấu cần có kế hoạch xây dựng kịch mục để phục vụ đông đảo những nhu cầu đến với sân khấu của công chúng; tổ chức các chuyến đi thực tế, trại sáng tác thiết thực; xây dựng đội ngũ tác giả mới; tổ chức một CLB tác giả sân khấu nhằm tạo điều kiện cho họ giao lưu, trao đổi sáng tạo…
Theo NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, sân khấu Việt Nam trong những năm qua còn lạc hậu, chưa bắt kịp nhịp độ phát triển nhanh chóng của xã hội, cứ mãi quẩn quanh với những đề tài về quá khứ, lịch sử hay những mâu thuẫn đời thường. Việc nhận diện những khó khăn, bất cập hôm nay là bước khởi đầu để cải thiện tình hình, để sân khấu Việt tìm thấy con đường đổi mới, bám sát với nhịp sống hiện đại và tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
T.Toàn
Nguồn: https://www.congluan.vn/san-khau-chi-xao-nau-kich-ban-cu-vi-dau-nen-noi-post324235.html