Tình trạng thao túng đấu giá đất như ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa qua nếu không được kiểm soát, sẽ là lực cản lớn đối với thị trường bất động sản.
Trong những ngày qua, vụ việc thao túng đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã gây chấn động dư luận. Nhóm đối tượng liên quan đã thiết lập hệ thống thao túng với mục tiêu đẩy giá đất lên cao một cách phi lý, sau đó dàn xếp để giành lợi thế trong những phiên đấu giá tiếp theo.
Theo điều tra ban đầu, nhóm này sau khi biết thời gian tổ chức đấu giá đã thiết lập bảng giá tham khảo trước cho từng lô đất, dao động từ 20-32 triệu đồng/m², tương đương 1,7-3,9 tỷ đồng mỗi lô. Trong quá trình đấu giá, nếu mức giá vượt ngoài dự tính, nhóm sẽ cố ý thông đồng để đẩy giá lên cao ở vòng thứ 5 rồi bỏ đấu giá ở vòng cuối, khiến phiên đấu giá bị hủy bỏ. Hệ quả là các phiên đấu giá phải tổ chức lại, tạo cơ hội để nhóm này loại bỏ dần những người đấu giá khác và thâu tóm đất với giá đã định trước.
5 đối tượng trong vụ đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở Sóc Sơn, TP. Hà Nội tại cơ quan công an. Ảnh: CACC |
Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, đưa những kẻ gian lận ra ánh sáng, nhằm bảo vệ sự minh bạch của thị trường bất động sản. Có thể thấy, vụ việc này nếu không được xử lý kịp thời, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, không chỉ làm thất thoát ngân sách nhà nước mà còn làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, gây rối loạn thị trường.
Trên thực tế, hiện tượng trên không phải mới tại Việt Nam, những chiêu trò “thao túng” tương tự cũng đã từng được ghi nhận tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) vào tháng 8 vừa qua, khi 68 thửa đất tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao được đưa ra đấu giá. Sự kiện thu hút tới 1.500 người tham gia với 4.200 hồ sơ, đẩy giá trúng cao nhất lên đến 103,3 triệu đồng/m². Tuy nhiên, sau cuộc đấu giá, 55 trường hợp trúng thầu đã bỏ cọc (chiếm tới 80% tổng số người trúng đấu giá), để lại hậu quả là thị trường bị méo mó và niềm tin của người dân tiếp tục bị tổn thương.
Những cơn sốt đất kiểu này không chỉ tạo ra một “bong bóng bất động sản” mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Việc đẩy giá đất lên cao “ảo” khiến các dự án phát triển cơ sở hạ tầng phải đối mặt với chi phí đền bù đắt đỏ, gây trì hoãn hoặc làm tăng gánh nặng ngân sách. Đồng thời, bất động sản trở thành một kênh đầu tư mang tính đầu cơ cao, triệt tiêu nguồn lực đáng lẽ được sử dụng cho các lĩnh vực sản xuất khác, làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Dưới góc độ xã hội, tình trạng giá bất động sản leo thang không kiểm soát còn là nguy cơ khiến một bộ phận lớn dân cư, đặc biệt là giới trẻ, không đủ khả năng mua hoặc thuê nhà. Điều này tạo ra những bất ổn về an sinh và gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Để chấn chỉnh tình trạng thao túng, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc nâng cao quy định pháp lý đến tăng cường giám sát. Trước hết, cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Đất đai 2024, trong đó chú trọng rà soát, điều chỉnh bảng giá đất để phản ánh sát giá trị thực tế. Việc này không chỉ giúp đấu giá trở nên minh bạch mà còn giảm thiểu khả năng thao túng.
Ngoài ra, cần tăng tiền đặt trước và yêu cầu người tham gia đấu giá chứng minh tài sản qua sao kê tài khoản ngân hàng hoặc các giấy tờ liên quan. Điều này đảm bảo cho người tham gia đấu giá có đủ năng lực tài chính và cam kết thực sự. Với những trường hợp bỏ cọc, cần áp dụng biện pháp xử lý nghiêm, buộc bồi thường giá trị tương đương lô đất để răn đe các hành vi gian lận.
Một yếu tố quan trọng khác là tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm minh các hành vi thao túng. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để phát hiện và ngăn chặn sớm các hành vi bất thường trong đấu giá. Việc làm điểm một số vụ việc điển hình như vừa qua sẽ giúp tạo hiệu ứng răn đe, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đối tượng tham gia thị trường.
Thao túng đấu giá đất, nếu không được kiểm soát, chắc chắn sẽ tiếp tục là lực cản lớn đối với sự phát triển của thị trường bất động sản và kinh tế nói chung. Hơn bao giờ hết, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự minh bạch trong quy trình đấu giá và ý thức tuân thủ của các bên tham gia thị trường là những yếu tố then chốt để đảm bảo một môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh.
Cuộc chiến chống thao túng thị trường đất đai không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi sự đồng lòng từ cộng đồng và các nhà đầu tư chân chính. Chỉ khi đưa được thị trường đầu tư trở lại tình trạng trong sạch, bất động sản mới thực sự trở thành một kênh phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho toàn xã hội.
Nguồn: https://congthuong.vn/vu-thao-tung-dau-gia-dat-o-soc-son-xu-ly-nghiem-minh-dua-niem-tin-tro-lai-362588.html