(TN&MT) – Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã gặp và làm việc với ông HATOYAMA JIRO, Thứ trưởng Nội các phụ trách Chính sách Đại dương Nhật Bản về các nội dung phát triển các chương trình quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cho Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Thứ trưởng Hatoyama Jiro điểm lại các chương trình phối hợp giữa hai cơ quan của hai nước trong thời gian qua. Trong đó, Bộ TN&MT Việt Nam đã hợp tác rất chặt chẽ và hiệu quả với các đối tác Nhật Bản trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt là triển khai Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chính sách biển và đại dương giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Văn phòng Nội các Nhật Bản đã được ký kết ngày 08/10/2018 nhân chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Nhật Bản.
Ngoài ra, từ năm 2019, đã có một số cuộc họp đối thoại chính sách biển Nhật Bản – Việt Nam đã được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Thành lập Trung tâm giám sát, điều hành khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển
Trao đổi về các chính sách đại dương, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Thứ trưởng Hatoyama Jiro thống nhất rằng Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng và nhiều điểm chung trong khung chính sách biển và đại dương.
Thứ trưởng Thứ trưởng Hatoyama Jiro cho biết, Nhật Bản đã ban hành Luật Khung về Chính sách đại dương năm 2007 cùng thời điểm với Việt Nam ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Nhật Bản đã xây dựng Kế hoạch cơ bản về Chính sách đại dương và thực hiện sửa đổi 5 năm một lần. Kế hoạch cơ bản lần thứ Tư được sửa đổi năm 2023 với nhiều chủ trương, định hướng lớn.
Trong thời gian này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, BCH Trung ương Đảng cũng như Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trao đổi thêm với Thứ trưởng Hatoyama Jiro, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong năm nay 2024, Việt Nam đã ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đánh giá cao nội dung và những kinh nghiệm về quản lý biển của Nhật Bản. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, những thông tin này rất hữu ích cho công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ trưởng ấn tượng với Mô hình lưu trữ và chia sẻ thông tin hàng hải (MDA và MSIL) của Nhật Bản đã và đang được triển khai, cũng như các công nghệ tiên tiến (chủ yếu tự động bằng Robot) được sử dụng phổ biến cho các mục đích quản lý biển.
Do đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn Nhật Bản nghiên cứu, hỗ trợ đề xuất thành lập Trung tâm giám sát, điều hành khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cho Việt Nam theo kinh nghiệm của Nhật Bản.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách về biến đổi khí hậu
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hatoyama Jiro cho biết, với cam kết trung hòa carbon ở Nhật Bản vào năm 2050, Nhật Bản đã có những nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng và chuyển đổi Xanh.
Nhật Bản đã ban hành Kế hoạch năng lượng cơ bản lần thứ 6 vào tháng 10 năm 2021 hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và các chính sách cần được thực hiện.
Tại Nhật Bản, các công trình điện gió hiện nay chủ yếu nằm ở ven bờ như là sự thử nghiệm trước khi đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường rất quan tâm tới kinh nghiệm xây dựng và thực thi chính sách phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hiện nay của Nhật Bản để đạt mục tiêu hình thành các dự án điện gió với tổng công suất 10 triệu kW vào năm 2030 và 30 – 45 triệu kW vào năm 2040. Và mong muốn phía Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách quan trọng này.
Củng cố các chương trình hợp tác hướng đến những mục tiêu chung
Với những nội dung trao đổi tại cuộc đối thoại ngày hôm nay nói riêng và các chương trình hành động, hợp tác ở các cấp cao hơn, đặc biệt là trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung; giữa Bộ TN&MT và Văn phòng Nội các Nhật Bản nói riêng sẽ ngày càng được củng cố, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với yêu cầu về phát triển bền vững kinh tế biển.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn được tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Nội các Nhật Bản, Ban Thư ký Chính sách đại dương quốc gia, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội trong thời gian tới để cùng nhau triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ đã được ký kết.
Trước mắt là trao đổi hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý biển và đại dương; hỗ trợ Việt Nam rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; hỗ trợ Việt Nam triển khai các quy hoạch không gian biển và vùng bờ, hướng đến phát triển kinh tế biển xanh; Tăng cường hợp tác về bảo vệ môi trường biển và tăng cường năng lực cho Việt Nam về điều tra, giám sát, khai thác tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bo-truong-do-duc-duy-mong-muon-nhat-ban-ho-tro-chuong-trinh-quan-ly-tai-nguyen-va-bao-ve-moi-truong-bien-384130.html