(Dân trí) – 2025 là năm đặc biệt vì chuyển tiếp giữa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), sẽ tác động tới hàng chục triệu người.
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì trong Luật BHXH năm 2014 và Luật BHXH năm 2024 đều quy định giống nhau, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Do đó, mức đóng BHXH bắt buộc của nhóm lao động trên tùy thuộc vào mức lương doanh nghiệp trả, không bị ảnh hưởng khi chuyển tiếp giữa Luật BHXH năm 2014 và Luật BHXH năm 2024.
Tuy nhiên, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì có sự điều chỉnh.
Theo Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Tại Luật BHXH năm 2024, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được quy định tại Khoản 1 Điều 31.
Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Như vậy, Luật BHXH năm 2024 bổ sung thêm căn cứ “tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh” cho phù hợp với nội dung cải cách tiền lương Chính phủ đang thực hiện. Khi áp dụng bảng lương mới, dự kiến mức lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của nhóm lao động này sẽ tăng, giúp tăng quyền lợi BHXH và chế độ hưu trí cho người lao động sau này.
Lương hưu tính theo 2 giai đoạn
Người nghỉ hưu trong giai đoạn trước ngày 1/7/2025 thì mức lương hưu hằng tháng sẽ được tính toán theo quy định tại Điều 56 Luật BHXH năm 2014.
Theo đó, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, mức hưởng lương hưu của người lao động nghỉ hưu trước 1/7/2025 được tính theo bảng sau:
Đối với người nghỉ hưu từ ngày 1/7/2025 trở đi, mức lương hưu hằng tháng sẽ được tính toán theo quy định tại Điều 66 Luật BHXH năm 2024.
Theo đó, đối với lao động nữ, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa bằng 75%;
Đối với lao động nam, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa cũng là 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Như vậy, mức hưởng lương hưu của người lao động nghỉ hưu từ 1/7/2025 trở đi được tính theo bảng sau:
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/nam-2025-luong-huu-va-muc-dong-bhxh-thay-doi-nhu-the-nao-20241204192114737.htm