Để giúp chị em phụ nữ bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua khó khăn, các cấp hội phụ nữ tại Cà Mau đã tranh thủ các nguồn viện trợ, triển khai các giải pháp, mô hình hỗ trợ.
Thống kê của UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong mùa khô năm 2024 toàn tỉnh Cà Mau xuất hiện 730 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 19km, có 83 vị trí ven sông bị sạt lở.
Nguyên nhân xảy ra sạt lở, sụt lún không chỉ do mất phản áp của nước vào thành bờ sông mà còn do đặc điểm địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu.
Thiên tai còn gây thiệt hại 153 căn nhà, làm ngập úng 615ha lúa Hè Thu, hư hỏng nhiều công trình cầu bê tông, trụ điện, cáp viễn thông, cây xanh… Tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra ở Cà Mau ước tính trên 36 tỷ đồng.
Hồi tháng 5, Cà Mau là tỉnh thứ 3 trong khu vực ĐBSCL công bố hạn hán khẩn cấp mức 2 ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Biến đổi khí hậu với các hình thái như hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn, triều cường,… đã ảnh hưởng đến việc mưu sinh, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống của người dân tỉnh Cà Mau.
Trong đó, trẻ em và phụ nữ là những đối tượng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng nhiều nhất do thiên tai. Để giúp chị em phụ nữ vùng bị ảnh hưởng vượt qua khó khăn, thời gian qua các cấp hội phụ nữ đã tranh thủ các nguồn viện trợ, triển khai các giải pháp, mô hình hỗ trợ giúp phụ nữ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong thời gian tới.
Những tháng đầu năm 2024, qua rà soát của ngành chức năng, toàn tỉnh Cà Mau có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Một thực tế dễ nhận thấy là ở những vùng nông thôn, một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn khi mùa mưa đến sẽ thiếu thiết bị chứa nước có dung tích lớn để trữ nước sử dụng vào mùa khô.
Do đó, khi vừa hết mưa và bước vào đầu mùa hạn thì nhiều hộ gia đình đã lâm vào tình trạng thiếu nước để uống, nấu ăn và sinh hoạt gia đình. Nếu năm nào hạn hán kéo dài tình trạng thiếu nước sinh hoạt của những hộ gia đình này càng trở nên trầm trọng hơn.
Nhằm hỗ trợ người dân, trong đó có nhóm yếu thế là phụ nữ, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã rất nỗ lực trong hoạt động công tác hội và phong trào phụ nữ, là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng giới.
Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng các mô hình sinh kế đa dạng, phong phú hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tích cực triển khai các nguồn lực, giải pháp, mô hình hỗ trợ phụ nữ ứng phó với thiên tai.
Bên cạnh các hoạt động, chương trình hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền địa phương, mô hình của các cấp hội phụ nữ, các nguồn viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an sinh của địa phương. Trong đó, có nguồn lực hỗ trợ từ Tổ chức Liên hợp quốc về bình đẳng giới tại Việt Nam.
Thông qua nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cấp hội đã đẩy mạnh triển khai các mô hình sinh kế phát triển bền vững. Kết quả bước đầu, đã giải quyết được một số vấn đề trước mắt do hậu quả của thiên tai. Không chỉ phục vụ sản xuất, phụ nữ được tiếp cận với các điều kiện tốt về y tế, giáo dục.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục tìm kiếm, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ chị em phụ nữ nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác tuyên truyền, trang bị kỹ năng, kiến thức cho chị em. Góp phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để phụ nữ sinh sống ở những địa bàn ven biển, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu có môi trường sống an toàn, sinh kế được tốt hơn. Qua đó, cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Đình Sơn
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ca-mau-ho-tro-phu-nu-ung-pho-voi-thien-tai-2348553.html