(Dân trí) – Tại các trường THPT có điểm chuẩn đầu vào lớp 10 từ 40 trở lên, nhóm học sinh chọn môn sử, địa ít hơn so với nhóm chọn lý, hóa để thi tốt nghiệp THPT 2025.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh – Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức – cho biết, tiếng Anh vẫn là môn có số lượng học sinh lựa chọn nhiều nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Trường có 810 học sinh thì 768 em chọn ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là môn ngoại ngữ chính, tỷ lệ 94,8%.
Ở môn tự chọn còn lại, vật lý được nhiều học sinh chọn hơn cả. Tiếp đó là lịch sử và hóa học với số lượng xấp xỉ nhau ở mức trên dưới 200 em.
Các vị trí tiếp theo là giáo dục kinh tế và pháp luật, địa lý, sinh học. Tuy nhiên số học sinh chọn môn sinh chỉ có 35 em.
Môn tin học có 5 học sinh lựa chọn và không có học sinh nào chọn môn công nghệ.
Như vậy, khi kết hợp với 2 môn bắt buộc là toán, văn, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp môn thuộc khối D01 (toán, văn, tiếng Anh) chiếm ưu thế tuyệt đối. Vị trí tiếp theo là khối A1.
Số học sinh chọn khối A truyền thống (toán, lý, hóa) đạt tỷ lệ 24,6%. Con số này cao hơn so với nhóm chọn khối C truyền thống (văn, sử, địa).
Một trường THPT khác ở nội thành có số học sinh chọn đồng thời hai môn lý, hóa đạt tỷ lệ xấp xỉ 25%, trong khi đó, số học sinh chọn đồng thời hai môn sử, địa chỉ vào khoảng 20%.
Tính trên từng môn riêng lẻ, tiếng Anh được lựa chọn nhiều nhất. Các môn tiếp theo lần lượt là vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, sinh học, tin học. Trong đó, sinh học và tin học có dưới 10 học sinh lựa chọn.
Không có học sinh nào chọn môn công nghệ và giáo dục kinh tế và pháp luật.
Tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp khối C truyền thống thấp kỷ lục. Thông tin từ thầy hiệu trưởng Lê Trung Kiên, cả trường có 674 học sinh thì chỉ có 6 học sinh chọn đồng thời hai môn sử – địa.
Tổ hợp lý – hóa có 69 học sinh lựa chọn. Số đông học sinh chọn tổ hợp vật lý – tiếng Anh (275 em) và lịch sử – tiếng Anh (168 em).
Cô Nguyễn Bội Quỳnh cho biết, sở dĩ các trường THPT tốp đầu có tỷ lệ học sinh chọn khối tự nhiên cao là do định hướng sớm.
“Ngay từ đầu lớp 10, nhà trường đã tổ chức các buổi tư vấn chọn tổ hợp môn rất kỹ cho học sinh, phụ huynh.
Trường khuyến khích các em lựa chọn môn theo thế mạnh, sở trường và định hướng nghề nghiệp tương lai. Song không phải học sinh nào cũng hiểu rõ thế mạnh của mình là gì cũng như xác định nghề nghiệp sẽ theo đuổi.
Bên cạnh đó, môn vật lý, hóa học ở cấp THCS chưa thực sự được chú trọng, khiến nhiều em e ngại, nghĩ rằng học các môn đó khó, không hấp dẫn.
Khi tư vấn, nhà trường phân tích kỹ đặc điểm và ý nghĩa của từng môn học này để các em hiểu ích lợi của khoa học tự nhiên. Một quốc gia khó phát triển nếu như khoa học cơ bản không phát triển.
Nhà trường cũng cho phép các em đổi môn học nếu không thấy phù hợp. Tuy nhiên, sau học kỳ I, số học sinh đổi môn rất ít, chưa đến 10 trường hợp. Đa số là chuyển từ khối D sang khối A00 hoặc A01, chứ không phải ngược lại”, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức chia sẻ.
Từ thực tế này, cô Bội Quỳnh cho rằng thầy cô và nhà trường cần phá vỡ rào cản tâm lý của học sinh với các môn tự nhiên ngay từ đầu lớp 10.
Nếu bỏ qua thời điểm này, tỷ lệ học sinh chọn môn tự nhiên và môn xã hội sẽ mất cân bằng nghiêm trọng, dẫn đến hạn chế lựa chọn của các em khi bước vào cánh cửa đại học cũng như cơ hội việc làm trong tương lai.
Ở một góc nhìn khác, hiệu phó một trường THPT cho biết, việc học sinh chọn môn tự nhiên ở bậc THPT cũng như thi tốt nghiệp phần lớn do định hướng từ cấp THCS.
“Thực tế những học sinh có thiên hướng khoa học tự nhiên từ cấp 2 sẽ chọn các trường cấp 3 có thế mạnh về môn học này. Do đó, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp môn khối A, A1 tại những trường này cũng sẽ cao hơn các trường khác”, vị hiệu phó nhận định.
Phân tích lý do môn công nghệ, tin học ít được học sinh lựa chọn thi tốt nghiệp, ông cho rằng điều này liên quan tới tổ hợp xét tuyển vào đại học. “Hiếm thí sinh nào chọn môn học chưa từng có trong các tổ hợp xét tuyển trước đây, bởi điều này là tự làm giảm cơ hội của mình”, ông nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/khoi-c-lep-ve-tai-cac-truong-thpt-diem-chuan-lop-10-cao-20241203133522940.htm