Tại nhiều trường học ở TPHCM, thay vì tránh né các phản ứng tiêu cực trên mạng của phụ huynh, hiệu trưởng tìm hướng giải quyết tích cực. Điều này thể hiện một phần văn hoá ứng xử của lãnh đạo trường.
Cách đây chưa lâu, trên diễn đàn học sinh TPHCM lan truyền 2 đoạn tin nhắn trong nhóm Zalo giữa giáo viên có tên L. – Trường THPT Nguyễn Văn Linh và học sinh của lớp cô dạy.
Theo phản ánh của học sinh, cô L. đã tổ chức dạy thêm nhưng một số học sinh trong lớp không tham gia lớp học. Do vậy, cô giáo nhắn tin cho học sinh.
Ngay khi nắm được sự việc, ông Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, xác nhận đây đúng là phản ánh của học sinh nhà trường về cô L. – giáo viên dạy hóa học lớp 12. Ông Sỹ đã yêu cầu cô L. giải trình sự việc. Nữ giáo viên giải trình rằng, đầu năm học, cô nhận được sự phân công của trường giảng dạy môn hóa học và chủ nhiệm lớp 12A1. Lớp có tạo 1 nhóm Zalo chung gồm các thành viên lớp và cô giáo.
Trong thời gian đầu năm học, qua trao đổi với giáo viên dạy lớp năm trước, cô L. nhận thấy học sinh còn yếu, mất kiến thức sau hè nên khuyên các em học thêm những môn định hướng thi tốt nghiệp, để thuận lợi vào được trường đại học mong muốn – có thể học trung tâm hoặc vài thầy cô khác.
Cô L. cho biết thêm, theo tình hình học tập chung của lớp, cô vừa dạy vừa bổ sung lại kiến thức 11 cho học sinh nên đã trao đổi với lớp rằng với thời lượng phân phối, cô chỉ kịp dạy bài cơ bản, phần bài tập và kiến thức nâng cao không thể dạy kịp.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh đã yêu cầu cô L. chấm dứt việc dạy thêm không đúng quy định, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm trong giao tiếp, phát ngôn với học sinh.
Mặt khác, do có vi phạm các quy định về dạy thêm học thêm, L. chỉ được đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ quý 3/2024. Với đánh giá này, giáo viên sẽ không nhận được tiền thu nhập tăng thêm của quý này.
Còn tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, TPHCM, phụ huynh lớp 2/9 phản ánh, lớp thu quỹ phụ huynh cào bằng mỗi người 1 triệu đồng nhưng dự chi không đúng mục đích.
Khi nắm được sự việc, ông Phan Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đã triệu tập cuộc họp giữa lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/9 và ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp.
Tại cuộc họp, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 2/9 thừa nhận dự kiến thu mỗi phụ huynh 1 triệu đồng, còn dự chi có nhiều nội dung chưa đúng quy định của Thông tư 55, trong đó có chi cho giáo viên, bảo mẫu và sửa chữa trong lớp.
“Chuyện xảy ra rất đáng tiếc, tôi đã yêu cầu Ban đại diện trả lại tiền đã thu cho phụ huynh. Chúng tôi nhất trí không kêu gọi đóng góp của ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, tôi cũng đã thông tin đến tất cả các giáo viên, phụ huynh là nhà trường không thu bất kỳ khoản quỹ nào của phụ huynh”, ông Phong nói. Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 2/9 gửi lời xin lỗi nhà trường và giáo viên chủ nhiệm vì để xảy ra sự việc.
Ở vai trò hiệu trưởng, bản thân ông Phong cũng có trách nhiệm và “Tôi sẽ nghiêm khắc hơn trong công việc của mình”- vị hiệu trưởng nói.
Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều nhóm, diễn đàn trong đó phụ huynh, học sinh đều được bày tỏ ý kiến, đặc biệt là vấn đề lạm thu đầu năm, vấn đề dạy thêm, học thêm.
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu lãnh đạo phòng GD-ĐT và hiệu trưởng các trường bị dư luận và báo chí phản ánh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu đơn vị để giải trình, phân tích, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện và đề xuất biện pháp xử lý nghiêm.
Đồng thời, các trường có biện pháp kỷ luật phù hợp, kịp thời đối với những trường hợp xác định sai phạm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm.
TPHCM lập đoàn kiểm tra thu chi, chấn chỉnh lạm thu đầu năm học
Lạm thu, một hiệu trưởng trường THPT bị khởi tố
Nguồn: https://vietnamnet.vn/phan-ung-tren-mang-cua-phu-huynh-va-nhung-hieu-truong-khong-tranh-ne-2346456.html