(NADS) – Tại tỉnh Quảng Bình, để Chỉ thị số 40-CT/TW phát huy hiệu quả và nguồn vốn chính sách đến được với đồng bào biên giới, những năm qua, cán bộ NHCSXH trong tỉnh đã không ngại đường sá cách trở, miệt mài “cõng” vốn lên với bà con.
Nhờ nguồn vốn chính sách đến đúng lúc, kịp thời, nhiều bản, làng đang dần “khoác” lên mình sự bình yên, no đủ. Thực hiện chính sách an sinh, những năm qua Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, trong đó có Chỉ thị số 40-CT/TW. Qua 10 năm triển khai, Chỉ thị đã phát huy hiệu quả khi nhiều hộ nghèo có cuộc sống ấm no hơn, bộ mặt nông thôn mới khởi sắc, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Theo những dấu chân
Đồng chí Hoàng Hải Nam – cán bộ tín dụng đã gắn bó với bà con vùng cao nhiều năm chia sẻ: “Trong chuyến công tác thực tế đến bản Ploang, xã Trường Sơn – một bản với nhiều cái không: không điện, không sóng viễn thông, không hộ khá, giàu… và cái có duy nhất là tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Với những cái ”Nhất” không mong muốn như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để tuyên truyền cho bà con hiểu được các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đang triển khai hỗ trợ đồng bào, từ đó, người dân mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chính vì thế ‘’ để xóa nghèo, phát triển kinh tế cho đồng bào trước tiên phải là vốn và cách làm. Vốn thì đã có NHCSXH, còn cách làm không chỉ có nói với bà con, mà phải cùng bàn, cùng làm, nuôi con gì, trồng cây gì, trồng và chăm sóc như thế nào…”
Dù là cán bộ trẻ, nhưng thời gian anh Nam xung phong gắn bó với các địa bàn khó, ở xa và đi lại khó khăn tại những xã miền núi và các bản biên giới vùng sâu, vùng xa tương đối nhiều.
Nói về lựa chọn đặc biệt này, Nam tâm sự: “Trước đây, tôi đã nhiều lần tham gia các chương trình thiện nguyện, được đến với bà con những bản vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Thấy cuộc sống của đồng bào nơi đây còn nghèo, tập tục sinh hoạt còn lạc hậu. Vì vậy, mong muốn của tôi là bà con ở những vùng cao biên giới này được tiếp cận những chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhất là nguồn vốn chính sách để họ biết làm ăn, phát triển kinh tế thay đổi cuộc sống và không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước”. Sau thời gian cùng ăn, cùng sinh hoạt, nắm bắt được tâm tư, suy nghĩ của bà con, thấu hiểu những khó khăn đang găp phải nên bản thân luôn bám sát địa bàn để xử lý kịp thời những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sớm tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Là cán bộ gắn bó nhiều năm với các xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch và có nhiều kinh nghiệm đưa vốn lên vùng cao, ông Lê Tuấn Sơn – cán bộ NHCSXH huyện Bố Trạch chia sẻ: “Các xã Tân Trạch, Thượng Trạch là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào DTTS. Kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế nên việc tiếp nhận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đòi hỏi phải trải qua quá trình “mưa dầm thấm lâu”. Với phương châm “Giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, chúng tôi đã lên cùng ăn, cùng ở với bà con để rà soát nhu cầu và tuyên truyền tín dụng chính sách, lúc đó bà con mới hiểu và mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế”.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài khẳng định: Để những bản, làng ngày càng no ấm, người dân biết sử dụng nguồn vốn phát triển kinh tế, thoát khỏi những tập tục lạc hậu thì vai trò của những cán bộ tín dụng chính sách là rất lớn. Họ là những người đóng góp thầm lặng trong việc đưa Chỉ thị số 40-CT/TW và chuyển tải nguồn vốn chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào DTTS”.
Vùng cao “chuyển mình”
Với sự nỗ lực triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến các bản, làng xa xôi của cán bộ NHCSXH, nhiều hộ đồng bào DTTS đã bắt đầu biết vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế. Trưởng bản Ploang Hồ Thị Thi phấn khởi cho biết: Nguồn vốn chính sách đã đến với bà con trong bản. Trước đây, nhiều hộ chỉ biết vào rừng kiếm ăn từng bữa, nay khi vốn chính sách lên với bản, bà con đã biết vay vốn, tính toán làm ăn và dành dụm được tiền tiết kiệm. Nhiều người không phải vào rừng để “chạy” ăn từng bữa như trước nữa
Tổng doanh số cho vay thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW giai đoạn 2014 – 2024 các chương trình dành cho đồng bào BDTTS và miền núi đạt 41.271 triệu đồng, với 1.903 lượt hộ đang vay vốn. Tính từ năm 2021 đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 16,63% (từ 69,52% xuống 52,89%).
Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì vui mừng chia sẻ: Việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW là một chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước. Từ khi có vốn tín dụng chính sách, cuộc sống người dân xã Trường Sơn đã thay đổi nhiều. Nhận thức của họ cũng dần chuyển biến. Từ chỗ ngại vay, ngại làm kinh tế, thì nay đồng bào đã mạnh dạn vay vốn để phát triển những mô hình chăn nuôi, trồng trọt và ý thức được việc phải tiết kiệm trả lãi hằng tháng, không để nợ quá hạn. Đến nay, nguồn vốn chính sách đã phủ rộng ở hầu khắp các bản làng với số tiền cho vay hơn 42 tỷ đồng với 769 khách hàng, trung bình mỗi khách hàng được vay khoảng 60 triệu đồng.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh hiện có diện tích tự nhiên 3.845km². Dân số tính đến ngày 31/12/2023 là 11.164 hộ, với 46.488 người. Đồng bào DTTS sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 102 thôn, bản thuộc 15 xã và 3 bản của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Cuộc sống đồng bào DTTS và miền núi ở nhiều nơi vẫn còn nhiều khó khăn; phong tục sản xuất lạc hậu khiến thu nhập bà con bấp bênh. Thời gian qua, nhờ thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn chính sách đã đến được với nhiều bản, làng xa xôi.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trần Hữu Ninh cho biết: Tín dụng chính sách xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, giải quyết vấn đề an sinh xã hội ở vùng ĐBDTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, để đồng bào DTTS củng cố thêm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thực hiện hiệu quả mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/cong-von-chinh-sach-len-non-15581.html