ANTD.VN – Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu (EU) sẽ bị ảnh hưởng bởi Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP).
Doanh nghiệp phải chuyển đổi sang sản xuất bền vững để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU |
CEAP là một phần của Thỏa thuận xanh Châu Âu. Chia sẻ tại tọa đàm “Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) và hệ lụy đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27-11, đại diện Bộ Công Thương cho biết, CEAP sẽ có tác động đến 7 nhóm lĩnh vực chính, bao gồm: thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhóm về pin và nhóm về bao bì, nhóm về nhựa, dệt may, da giày…
Quy định trọng tâm của CEAP liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững. Quy định này đã có hiệu lực từ tháng 7-2024.
Ông Đỗ Hữu Hưng- Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, quy định mới này của EU có thể ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may và giày dép, các sản phẩm nhựa và bao bì.
“Những quy định này rất phức tạp, ngay cả bản thân chúng tôi cũng thấy như vậy. Hiện giờ nếu đánh giá tác động thì trước tiên có thể nói các quy định của EU trong CEAP sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam.
Đầu tiên chúng ta có thể nhìn thấy những sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn của EU như liên quan đến hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số có khả năng sẽ không thể thâm nhập được vào thị trường EU, hải quan họ sẽ không cho thông quan”- ông Đỗ Hữu Hưng cho hay.
Tuy nhiên, những quy định này cũng có thể tạo ra một số những cơ hội nhất định như có thể sẽ có những tệp khách hàng mới và về lâu dài sẽ giảm được chi phí.
Đồng quan điểm trên, TS Mai Thanh Dung- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT nhận định, các quy định của CEAP sẽ tác động rất lớn đến các quốc gia lâu nay đang tham gia vào thị trường Châu Âu cũng như sắp tới có những mong muốn thâm nhập vào thị trường Châu Âu. Việt Nam là một trong số các quốc gia đó.
“Kế hoạch được ban hành như thế cũng là một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Vì chúng ta phải cần rất nhiều nỗ lực để đạt được những điều kiện mà trong kế hoạch đặt ra, đặc biệt là bảy lĩnh vực nhóm ngành nghề nêu trên là: nhựa, chế biến thực phẩm, dệt may, nông nghiệp, pin, các thiết bị giao thông, công nghiệp điện tử…
Sắp tới doanh nghiệp cần phải rất nỗ lực thì mới phát triển được tiếp những việc xuất khẩu của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh”- TS Mai Thanh Dung nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên nhìn nhận, các quy định mới của EU vừa đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội cho doanh nghiệp.
Sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của May Hưng Yên vào EU tăng gấp đôi, từ khoảng từ 20 triệu USD lên khoảng 40 triệu USD. Dù vậy, ngành dệt may phải đối diện với quy định về xuất xứ của thị trường nhập khẩu.
“Nếu như không đạt được yêu cầu về xuất xứ thì không thể vào EU theo EVFTA và hưởng lợi về thuế quan được. Trong thời gian qua các nguồn nguyên liệu nhập khẩu hầu hết từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước khác không thuộc EVFTA. Đây chính là một thách thức rất lớn. Tuy vậy để đánh giá đối với ngành dệt may cũng đã tăng trưởng đáng kể, đóng góp chung cho kim ngạch xuất khẩu của toàn quốc”- ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Theo các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn dù mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhưng lâu nay chưa được để ý đúng mức cần thiết. Nếu doanh nghiệp làm được tốt những quy trình hoặc những giải pháp kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của mình được tốt hơn những doanh nghiệp khác.
Bởi lẽ, doanh nghiệp tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm được năng lượng, kéo dài được vòng đời sản phẩm, giảm thiểu được chất thải…
Theo đại diện Bộ Công Thương, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU nói chung và quy định CEAP nói riêng, doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất, thay đổi quy trình sản xuất, quản lý, tăng chi phí đầu tư… Nhưng đây là xu hướng mà doanh nghiệp sản xuất phải tăng theo.
Ông Đỗ Hữu Hưng cho biết, hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và EU là đòn bẩy rất là tích cực đối với cả các lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU.
Sau 4 năm hiệp định có hiệu lực, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt gần 64 tỉ USD, tức là có sự tăng trưởng rất lớn.
Về các mặt hàng xuất khẩu sang EU, nhờ lợi thế cạnh tranh về thuế quan của EVFTA, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều có sự tăng trưởng tốt. Trong đó có thể kể đến các nhóm hàng về công nghiệp như máy móc thiết bị, các phương tiện vận tải, các nhóm hàng về hóa chất và đặc biệt những nhóm hàng về nông sản, thủy sản cũng đạt được sự tăng trưởng cao.
Về đầu tư, nhờ EVFTA, EU đã trở thành nhà đầu tư đứng thứ sáu có vốn FDI đầu tư nhiều vào Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu hiện đầu tư vào khoảng 2.500 dự án với tổng số vốn đăng ký đâu đó khoảng 28 tỷ USD.
Đặc biệt, EVFTA không chỉ tạo điều kiện thu hút những nhà đầu tư của châu Âu mà còn cả những nhà đầu tư ngoài châu Âu đến Việt Nam, tận dụng hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU để đưa những hàng hóa sản xuất của nhà máy của họ tại Việt Nam sang thị trường châu Âu.
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/bay-nganh-san-xuat-hang-xuat-khau-chinh-se-bi-anh-huong-truc-tiep-tu-ceap-post596710.antd