(Dân trí) – Với mong muốn dùng kiến thức về AI để tạo ra những giá trị hữu ích cho xã hội, anh Nguyễn Việt Chung – CEO VietPlatform cùng các bạn học trong chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật phần mềm (MSE) tại FSB đã triển khai dự án Miền ký ức.
Bằng cách sử dụng công nghệ AI, nhóm đã phục dựng hàng trăm bức ảnh để trao tặng lại cho các gia đình liệt sĩ.
Dự án Miền ký ức được ấp ủ sau khi anh Nguyễn Việt Chung cùng các học viên Hoàng Tuấn Đạt, Phạm Trung Kiên, Nguyễn Văn Tuấn và Phạm Minh Hiếu hoàn thành các môn học về trí tuệ nhân tạo, xử lý ảnh và dữ liệu. Không chỉ dừng lại ở mức độ báo cáo môn học, nhóm đã quyết định triển khai ý tưởng thành một dự án phi lợi nhuận với mục tiêu sử dụng AI để phục dựng những bức ảnh liệt sĩ đã cũ hoặc bị hư hỏng, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ có được những hình ảnh rõ nét hơn về người thân của mình.
Anh Chung cho biết, các dự án phục dựng ảnh liệt sĩ mà anh tham gia thực hiện trước đây chủ yếu sử dụng các phần mềm xử lý ảnh để vẽ lại từ ảnh cũ, mất rất nhiều thời gian và phụ thuộc phần lớn vào tay nghề của người xử lý. Có những ảnh mất nhiều chi tiết hoặc những liệt sĩ không còn di ảnh thì gần như không có cách nào để xử lý. Tuy nhiên, với các AI, dự án có thể hoàn thành một bức ảnh chỉ trong vài phút với chất lượng tốt hơn.
“Với các kỹ thuật về AI hiện nay, chúng tôi có thể lập trình để phục chế một bức ảnh chỉ trong vài phút, kết quả ảnh sắc nét, chân thật, có chiều sâu, chất lượng đồng đều nhau. Trong những trường hợp không có di ảnh, chúng tôi có thể sử dụng ảnh người thân hoặc mô tả từ đồng đội để phục dựng”, anh Chung chia sẻ.
Tận dụng lợi thế rất lớn về các mối quan hệ trong mạng lưới học viên – cựu học viên của chương trình MSE, anh Chung và các cộng sự đã kết nối các nguồn lực để cùng triển khai dự án. Dự án nhận được sự cố vấn chuyên môn từ TS. Bùi Văn Hiệu và đội ngũ giảng viên tại Viện Quản trị & Công nghệ FSB, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cựu học viên MSE. Công ty VietPlatform tài trợ hạ tầng máy chủ và chi phí vận hành. Các tổ chức như Hội đồng hương Vĩnh Phúc (Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc) và các cơ quan đoàn thể khác hỗ trợ kết nối các gia đình liệt sĩ.
Sau một tháng triển khai, dự án Miền ký ức đã tiếp nhận yêu cầu từ 120 gia đình liệt sĩ, phục chế thành công, in ấn và trao ảnh cho 85 gia đình. Dự án vẫn đang tiếp tục nhận các yêu cầu mới qua website mienkyuc.vn và hỗ trợ phục dựng miễn phí cho toàn bộ ảnh liệt sĩ tại Việt Nam. Dự án cũng sẵn sàng kết nối với các tổ chức, đoàn thể, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thành để triển khai với quy mô và số lượng lớn.
Ông Hoàng Trung Thất (em trai liệt sĩ Hoàng Trung Mẫn) chia sẻ trong buổi tiếp nhận ảnh từ dự án: “Anh trai tôi hy sinh năm 1974 tại chiến trường miền Nam, mãi sau này gia đình mới tìm được hài cốt của bác rồi đưa về quê nhà. Gia đình có một bức di ảnh để thờ nhưng cũng đã bị phai mờ và mất chi tiết do thời gian. Tình cờ được biết đến dự án và liên hệ. Nay nhận được bức ảnh đã được phục chế rất giống, đẹp và có hồn. Gia đình thực sự xúc động”.
Theo TS Đoàn Xuân Huy Minh Giám đốc chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật phần mềm (MSE), với mục tiêu đào tạo các thạc sĩ công nghệ thông tin có khả năng sáng tạo sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao, học viên chương trình MSE được hướng dẫn thực hiện các dự án cụ thể, có liên hệ trực tiếp đến nhu cầu thực tế của xã hội.
“Các dự án có giá trị và ý nghĩa đối với cộng đồng như Miền ký ức luôn được nhà trường khuyến khích và hỗ trợ, không chỉ nhằm nâng cao năng lực học viên mà còn đóng góp thiết thực cho xã hội”, ông Minh nhấn mạnh.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/phuc-dung-anh-liet-si-bang-ai-du-an-tri-an-bang-cong-nghe-cua-hoc-vien-mse-20241202223104013.htm