Sao Thiên Vương, hành tinh nghiêng của hệ mặt trời, được phát hiện kỳ lạ hơn chúng ta vẫn tưởng, nhờ vào quan sát của kính không gian James Webb.
Sao Thiên Vương từ lâu thu hút sự chú ý của giới thiên văn học vì khoảng cách đáng nể của nó, cách trái đất khoảng 2,6 tỉ km.
Để quan sát hành tinh này, các nhà nghiên cứu cần sự hỗ trợ của những công cụ thiên văn mạnh mẽ như kính không gian James Webb.
Mới đây, ba cuộc nghiên cứu được công bố cho thấy một trong các mặt trăng của sao Thiên Vương là Miranda nhiều khả năng sở hữu một đại dương bên dưới bề mặt. Điều này có nghĩa Miranda có khả năng chứa sự sống ngoài trái đất.
Trong một báo cáo đăng trên chuyên san The Planetary Science, nhà thiên văn học Caleb Strong của Đại học Bắc Dakota (Mỹ) giải thích việc mặt trăng Miranda có thể mang theo đại dương là điều khá kỳ lạ.
“Việc Miranda có thể che giấu một đại dương dưới bề mặt là điều chưa từng được tính đến trước đây vì kích thước của nó”, theo chuyên gia Strong. Miranda có đường kính chỉ khoảng 500 km, bằng 1/7 mặt trăng của trái đất.
Báo cáo về Miranda dựa trên những hình ảnh cho tàu Voyager 2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chụp được về truyền về trái đất. Voyager 2 đến nay là tàu duy nhất của con người từng đi ngang và chụp ảnh sao Thiên Vương vào năm 1986.
Khám phá bất thường trong từ trường sao Thiên Vương
Cũng dựa trên dữ liệu từ Voyager 2, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những bất thường trong các chuyển động nội tại của sao Thiên Vương, dẫn đến thực tế từ trường của hành tinh hoạt động theo cơ chế khác với trái đất.
Từ trường đóng vai trò như lá chắn bảo vệ một hành tinh khỏi bức xạ độc hại từ mặt trời. Theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences do Đại học California ở Berkeley (Mỹ) dẫn đầu cho rằng bề mặt của sao Thiên Vương có những lớp khác nhau. Giống như dầu với nước, những lớp này không bao giờ trộn lẫn được với nhau.
Phát hiện của họ cho thấy từ trường của sao Thiên Vương hỗn loạn và không có hai cực từ bắc nam rõ ràng như ở trái đất, sao Mộc, sao Thổ.
Đó là lý do tại sao cả Thiên Vương tinh và láng giềng Hải Vương tinh đều có từ trường khác biệt so với những gì chúng ta quan sát được trong trường hợp địa cầu.
Cụ thể, từ trường của sao Thiên Vương và sao Hải Vương xuất phát từ một lớp mỏng chèn giữa các lớp manti, trong khi trái đất tạo ra từ trường ở lõi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/kham-pha-nhung-bi-mat-moi-cua-hanh-tinh-nghieng-185241202092448794.htm