Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam vừa công bố quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam với nội dung: “Sự kiện chế biến và công diễn 102 món ăn từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky đầu tiên tại Việt Nam”; qua đó, tôn vinh những nghệ nhân tâm huyết với nghề, góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống của địa phương…
Một số món ăn được chế biến từ tàu hũ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. |
Sự kiện diễn ra tại Liên hoan ẩm thực món ngon vùng miền, Hội thi ẩm thực và xác lập kỷ lục Việt Nam được tỉnh Vĩnh Long tổ chức. Đây là một trong những chuỗi các hoạt động của Festival Gạch gốm đỏ-Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024.
Hội thi thu hút 20 đội đến từ các đơn vị thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long tham gia với hơn 110 món ăn được chế biến từ tàu hũ ky và dùng kèm từ tàu hũ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh. Đến với hội thi, các thành viên đều nỗ lực hết mình và khéo léo, sáng tạo trong từng món ăn. Mỗi đội thi đã góp phần tạo nên câu chuyện độc đáo, ấn tượng, mang niềm tự hào về làng nghề truyền thống tàu hũ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh; qua đó, tôn vinh thành quả lao động, giá trị văn hóa và tinh thần của người dân xã Mỹ Hòa nói riêng, tỉnh Vĩnh Long nói chung.
Chị Nguyễn Thị Xuân Hà, Đội thi Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh cho biết: “Tất cả các món ăn tại sự kiện đều có tàu hũ ky. Ngoài những món nấu, chiên, xào, chúng tôi còn nghĩ ra ý tưởng trang trí đẹp mắt bằng những bông hoa, cành lá hay những chiếc cầu dây văng… từ tàu hũ ky. Hy vọng, qua hội thi này, món ăn từ tàu hũ ky sẽ được nhiều người biết đến nhiều hơn nữa…”.
Nghệ nhân Văn hóa ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh, thành viên Hội đồng Tư vấn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chia sẻ: “Nhìn thực đơn của mỗi đội, tôi rất tâm đắc. Các bạn rất tâm huyết để giới thiệu sản phẩm của vùng miền mình, giới thiệu những món ăn ngon lành, bổ dưỡng để lan tỏa màu sắc và giá trị của tàu hũ ky Vĩnh Long”. Cũng theo Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh, hội thi còn tạo sân chơi bổ ích, tạo điều kiện giao lưu và phát huy khả năng sáng tạo cho những người yêu thích ẩm thực. Đây cũng là cơ hội để các đầu bếp thể hiện khả năng sáng tạo của mình, đóng vai trò như một “đại sứ ẩm thực” để gửi gắm những giá trị của ẩm thực quê nhà đến bạn bè trong nước và quốc tế…
Làng nghề tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long được hình thành và tồn tại gần một thế kỷ qua. Với hơn 20 hộ sản xuất, hằng ngày, từ làng nghề này cho ra hơn 3 tấn sản phẩm tàu hũ ky các loại như: Tàu hũ ky miếng lớn; tàu hũ ky non; tàu hũ ky cọng khô, cọng non; tàu hũ ky ướp muối… Nguyên liệu chính để làm tàu hũ ky là đậu nành sạch, không hóa chất nên sản phẩm rất bổ dưỡng cho sức khỏe của người sử dụng, dùng được cho người ăn chay, ăn kiêng, ăn mặn ở mọi lứa tuổi. Tàu hũ ky Mỹ Hòa không chỉ là món ăn trong những bữa cơm dân dã mà còn đi vào thực đơn các bữa tiệc của những nhà hàng sang trọng.
Là một trong những làng nghề truyền thống của tỉnh Vĩnh Long, năm 2013, Làng nghề Tàu hũ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hũ ky Mỹ Hòa-Bình Minh”. Năm 2017, Tàu hũ ky Mỹ Hòa-Bình Minh đạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, Nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa-Bình Minh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho biết, sự kiện khẳng định thêm giá trị sản phẩm làng nghề, thương hiệu làng nghề và công lao của nghệ nhân làng nghề qua các thời kỳ; góp phần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu tàu hũ ky Mỹ Hòa-Bình Minh đến với người tiêu dùng trong nước, quốc tế. Vĩnh Long cũng kỳ vọng thu hút nhiều khách du lịch hơn về với các làng nghề của tỉnh, trong đó có làng nghề tàu hũ ky, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh…
Bài và ảnh: BÁ DŨNG
Nguồn: https://nhandan.vn/doc-dao-mon-an-tu-tau-hu-ky-post848000.html