(LĐXH) – Tại châu Á, nghề sản xuất lúa gạo truyền thống đang đón nhận làn sóng cải tiến mạnh mẽ để chuyển đổi thành ngành bền vững và thân thiện với môi trường.
Bằng cách kết hợp phương pháp canh tác truyền thống với công cụ số hiện đại, người nông dân đang nỗ lực giải quyết những thách thức cấp bách của biến đổi khí hậu, biến sản xuất lúa gạo thành mô hình bền vững và mang lại lợi nhuận.
Cuộc cách mạng trên những cánh đồng
Tại Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan, nhu cầu cấp thiết về giảm phát thải khí metan và cải thiện quản lý nước đã thôi thúc một cuộc cách mạng trên những cánh đồng.
Những phương pháp đổi mới này không chỉ giảm tác động đến môi trường mà còn giúp “tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu vào và mang lại cho nông dân cơ hội tham gia thị trường carbon, qua đó tăng thu nhập”, bà Jaime Adams, đồng lãnh đạo Sáng kiến Đổi mới Nông nghiệp vì Khí hậu (Aim for Climate) của Bộ Nông nghiệp Mỹ chia sẻ bên lề Hội nghị COP29 tại Baku, Azerbaijan.
Sự chuyển đổi này đặc biệt quan trọng trong một khu vực sản xuất hơn 80% lượng gạo toàn cầu, là nguồn lương thực chính của một nửa dân số thế giới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra tại Baku, Aim for Climate đã công bố báo cáo “Thúc đẩy Đầu tư mang tính chuyển đổi vào khí hậu – nông nghiệp thông minh và đổi mới hệ thống thực phẩm”, đưa ra một lộ trình mở rộng quy mô các hoạt động sản xuất lúa gạo bền vững thông qua quan hệ đối tác và đầu tư chiến lược.
Báo cáo của Aim for Climate ủng hộ việc tích hợp các sáng kiến thông minh về khí hậu vào các cam kết mà từng quốc gia thành viên Liên hợp quốc đưa ra nhằm giảm phát thải khí nhà kính để khuyến khích áp dụng và đầu tư vào công nghệ bền vững.
“Các kỹ thuật như canh tác lúa phát thải thấp và phương pháp tưới luân phiên đang ngày càng được ưa chuộng, trong khi việc sử dụng phân bón hữu cơ cũng hỗ trợ cải thiện sức khỏe đất”, bà Adams cho biết.
Định hình lại nền nông nghiệp
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng các biện pháp thân thiện với khí hậu có thể làm tăng lượng carbon trong đất, cho phép người nông dân theo dõi, xác minh và bán trên thị trường carbon tự nguyện để kiếm thêm thu nhập.
Bởi canh tác lúa thâm canh chiếm khoảng 8% lượng khí thải nhà kính trong nông nghiệp, nên việc giảm lượng phát thải khí metan, vốn mạnh gấp 28 lần khí carbon dioxide, chưa bao giờ cấp bách hơn thế.
“Ở châu Á, nơi sản xuất lúa gạo đóng góp đáng kể vào phát thải khí metan, việc áp dụng các biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến khí hậu mà còn đảm bảo an ninh lương thực cho hàng triệu người”, bà Adams nhấn mạnh.
Người nông dân trong khu vực đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của một nền nông nghiệp bền vững, nơi các sáng kiến như Neorice đã kết hợp các kỹ thuật canh tác hữu cơ với các công cụ số để làm hài hòa các mục tiêu về môi trường và kinh tế.
Theo bà Adams, Aim for Climate xây dựng được một mạng lưới đối tác ngày càng lớn, với hơn 800 tổ chức, gắn kết các chính phủ, viện nghiên cứu và các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân, để cùng thúc đẩy phát triển nông nghiệp thân thiện với khí hậu.
Khi người nông dân trồng lúa ở châu Á đối mặt với những phức tạp của biến đổi khí hậu, cam kết của họ đối với tính bền vững có thể định hình lại tương lai của ngành nông nghiệp trong một thế giới ngày càng mong mỏi những giải pháp bền vững.
Diệu Linh (theo SCMP)
Báo Lao động và Xã hội số 144
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/chau-a-cach-mang-nong-nghiep-truoc-moi-de-doa-bien-doi-khi-hau-20241129170653590.htm