Bệnh nhân nam N.Q.N (29 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) được phát hiện khối u ở xương hàm dưới cách đây 6 năm nhưng ngừng điều trị sau thời gian đầu theo dõi.
Gần đây, tình trạng sưng phồng gia tăng, bệnh nhân đến Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng hàm dưới sưng nề, niêm mạc viêm đỏ nhẹ, đau ít. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy khối u phá hủy xương từ răng số 44 đến ngành lên hàm dưới phải.
Bệnh nhân được phẫu thuật cắt đoạn xương hàm dưới, loại bỏ khối u với lề cắt an toàn 1cm, đồng thời tái tạo xương hàm dưới bằng vạt da cơ xương mác tự do. Đây là một kỹ thuật phức tạp, yêu cầu sự điêu luyện, tỉ mỉ và sức bền từ ê kíp phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện nay với sự hỗ trợ bởi công nghệ 3D đã giúp các bác sĩ mô phỏng chính xác từng thao tác cắt, ghép và tái tạo. Nhờ đó, kết quả phẫu thuật được tối ưu hóa về cả mặt chức năng và thẩm mỹ, mang lại sự hiệu quả vượt trội cho bệnh nhân.
Ngày 2.12, bác sĩ Đỗ Văn Tú (Khoa Mặt Hàm, Bệnh viện Quân y 175) cho biết, bệnh nhân được thiết kế đường cắt và máng hướng dẫn phẫu thuật để cắt xương hàm và cắt xương mác trên phần mềm, in máng, in mẫu hàm 3D sau khi đã giả lập cắt xương và tái tạo lại; bẻ nẹp theo mẫu hàm giả lập trước. Sau đó, cắt đoạn xương hàm dưới từ cành cao đến phía xa răng 42, vạt da cơ xương mác sau khi phẫu tích sẽ được cắt theo bản mẫu trước đó. Kết hợp xương mác vào nẹp tái tạo đã uốn sẵn, sau đó kết phức hợp vạt, nẹp vào xương hàm dưới bảo đảm khớp cắn và khả năng vận động của xương hàm. Cuối cùng là kỹ thuật vi phẫu khâu nối mạch máu đảm bảo sự sống của vạt tái tạo.
Sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt. Toàn thân ổn định, không sốt, dấu hiệu sinh tồn bình thường, vạt xương mác sống tốt, vết mổ khô, lành thương nhanh, chức năng ăn, nhai, vận động há ngậm và thẩm mỹ gương mặt được cải thiện rõ rệt.
Bác sĩ Tú cho biết, xương hàm dưới không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chức năng ăn nhai, nói, nuốt mà còn định hình cấu trúc khuôn mặt. Do đó, việc tái tạo lại các khuyết hổng lớn sau phẫu thuật luôn là ưu tiên hàng đầu. Vạt xương mác tự do với công nghệ in 3D mang lại nhiều ưu điểm như đảm bảo cung cấp đủ xương cho tái tạo các đoạn lớn, cho phép thực hiện đồng thời hai kíp mổ nhằm rút ngắn thời gian phẫu thuật đồng thời tăng độ chính xác và hiệu quả trong điều trị.
Ứng dụng công nghệ 3D trong tái tạo xương hàm dưới
Bác sĩ Tú cho biết, u nguyên bào men (Ameloblastoma) là khối u lành tính nhưng có khả năng phá hủy xương và tiềm năng chuyển dạng ác tính nếu không điều trị kịp thời. Phẫu thuật cắt đoạn xương hàm để loại bỏ khối u thường gây tổn thất nghiêm trọng về chức năng và thẩm mỹ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, đặc biệt ở người trẻ tuổi.
Hiện nay, công nghệ 3D được áp dụng ngày càng phổ biến trong lĩnh vực răng hàm mặt như phẫu thuật chỉnh hình xương, phẫu thuật cấy ghép implant nha khoa, phẫu thuật tạo hình… Để tối ưu hóa kết quả điều trị, công nghệ in 3D đã được ứng dụng trong toàn bộ quy trình từ thiết kế giả lập đến lập kế hoạch phẫu thuật. Công nghệ này cho phép thiết kế chính xác máng cắt xương và nẹp tái tạo, tạo mẫu hàm và máng hướng dẫn phẫu thuật với độ chính xác cao, đảm bảo quy trình thực hiện hiệu quả, an toàn và tối ưu hóa kết quả điều trị.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tphcm-tai-tao-guong-mat-cho-nam-thanh-nien-co-khoi-u-o-xuong-ham-185241202120235747.htm