Thí sinh có bị ảnh hưởng quyền lợi khi chỉ có 20% chỉ tiêu dành cho xét tuyển đại học sớm? Đây là băn khoăn của không ít phụ huynh, học sinh trước việc Bộ GD&ĐT siết chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường đại học khi đã sắp hết học kỳ I năm học này.
Cần hiểu đúng về xét tuyển sớm
Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) khá lo lắng khi theo dõi thông tin về những thay đổi trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 khi đây là năm đầu tiên các trường xét tuyển với những học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Chúng em đang rất áp lực với việc là khóa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc thay đổi quy định tuyển sinh đại học cũng khiến chúng em lo lắng khi kỳ xét tuyển sẽ bắt đầu từ học kỳ 2. Chúng em đều đã chuẩn bị các điều kiện hồ sơ để tham gia xét tuyển sớm với nhiều phương thức của các trường đại học”, Nguyễn Thu Hà cho biết.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đưa ra quy định cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.
Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Giải đáp băn khoăn của phụ huynh, học sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), khẳng định: “Thí sinh không cần lo lắng. Dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.
Từ 2 năm nay, Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng (như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…), đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Do đó, dự thảo Thông tư không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường”.
Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, các trường và người học đang bị nhầm lẫn khái niệm “xét tuyển sớm” và các phương thức tuyển sinh (không có phương thức nào được gọi là “phương thức xét tuyển sớm”, vì các trường đều có thể sử dụng các phương thức xét tuyển ở mọi đợt xét tuyển).
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 hướng tới tạo công bằng cho mọi thí sinh. Việc xét tuyển sớm chỉ khuyến khích với những thí sinh có thành tích vượt trội, còn lại với các phương thức xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT thì không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh cũng như các trường đại học. Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra quy định điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm trúng tuyển ở đợt xét tuyển chung nhằm hướng đến đảm bảo sự công bằng cho thí sinh, khi không phải thí sinh nào cũng đủ điều kiện dự các kỳ thi riêng hay có chứng chỉ quốc tế để xét tuyển sớm. Thí sinh có thể yên tâm và tự tin, tiếp tục nỗ lực hết sức, học tập và ôn tập thật tốt để có kết quả cao nhất trong năng lực của mình và các em sẽ có cơ hội cạnh tranh công bằng để vào được trường và ngành mà mình yêu thích”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT
Do hiểu nhầm là chỉ có kỳ xét tuyển sớm mới được sử dụng các phương thức xét tuyển “riêng” (mà không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT) nên các trường lo lắng khi bị giới hạn con số 20% chỉ tiêu.
Cũng vì hiểu chưa đúng, thí sinh lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường sử dụng như xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…
“Xét tuyển sớm tràn lan gây mất ổn định chất lượng dạy học phổ thông”
Đây là đánh giá của nhiều giáo viên và nhà quản lý bậc học phổ thông khi nhiều trường đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển và công bố kết quả xét tuyển đại học sớm trước khi thí sinh kết thúc chương trình năm học và thi tốt nghiệp THPT.
Mặt tích cực của việc xét tuyển sớm là học sinh sẽ dồn tâm lực học tập đạt điểm tốt để có học bạ đẹp và đạt kết quả cao thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tuy nhiên, mặt trái của việc này là học sinh sẽ có tư tưởng đỗ đại học rồi, thi tốt nghiệp THPT không cần điểm cao, chỉ cần đủ điểm để đỗ.
Những học sinh này dù vẫn đi học nhưng không tập trung và nghỉ học nhiều, dẫn đến ảnh hưởng tới tinh thần học tập của các bạn cùng lớp.
Bên cạnh đó, có học sinh chỉ tập trung ôn thi đánh giá năng lực, hoặc thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, dẫn đến học lệch.
“Xét tuyển sớm không kích thích được học sinh học tập, phấn đấu trong học kỳ II của lớp 12. Một số em không còn quan tâm đến việc học để đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Điều này dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp không phản ánh thực chất năng lực của học sinh trong cả 3 năm THPT. Tôi mong các phương thức xét tuyển đại học nên thông báo kết quả cùng một lúc. Điều này sẽ hạn chế việc học sinh sau khi biết kết quả sẽ bỏ bê, chểnh mảng việc học”, cô Vũ Phương Anh, giáo viên Trường phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark (tỉnh Hưng Yên), chia sẻ.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/bo-tinh-siet-chi-tieu-xet-tuyen-som-thi-sinh-lo-20241202112101011.htm