Huyết áp cao hay tăng huyết áp có thể được kiểm soát bằng hoạt động thể chất đều đặn, duy trì cân nặng phù hợp và có một chế độ ăn uống hợp lý.
Những thực phẩm như trái cây, rau củ hay ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp hạ huyết áp, nhưng có một vài thực phẩm có thể làm cho tình trạng tệ hơn. Mặc dù không có chế độ ăn phù hợp với tất cả mọi người, nhưng một số thực phẩm nên được hạn chế để kiểm soát huyết áp một cách hiệu quả.
Tăng huyết áp, đặc trưng bởi lượng máu chảy qua động mạch quá lớn cùng lúc, đang trở thành mối lo ngại toàn cầu ngày càng tăng. Tính đến năm 2019, tình trạng này đã ảnh hưởng đến khoảng 1,36 tỉ người, gấp hơn hai lần so với năm 1990. Hiện nay số người đang sống chung với tăng huyết áp còn cao hơn.
Tăng huyết áp được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu có thể phòng ngừa đối với bệnh tim mạch, và liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như đột quỵ và bệnh thận mãn tính.
Thực phẩm nhiều muối và gia vị
Những người bị huyết áp cao cần hạn chế lượng natri và tránh các thực phẩm mặn. Tiêu thụ quá nhiều natri có thể khiến cơ thể giữ nước, làm tăng thể tích máu và gây thêm áp lực lên thành động mạch.
Áp lực này có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe như bệnh tim và đột quỵ. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên dùng quá 5mg muối/người/ngày. Các loại gia vị, nước xốt chế biến sẵn cũng chứa muối, không nên dùng quá nhiều.
Thực phẩm giàu chất béo bão hòa
Những người muốn giảm huyết áp hoặc nguy cơ bị cao huyết áp nên hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa. Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ chất béo bão hòa có liên quan đến nguy cơ cao huyết áp do chúng góp phần tích tụ mảng bám trong động mạch, làm hẹp đường lưu thông máu và tăng huyết áp.
Để bảo vệ sức khỏe động mạch và kiểm soát huyết áp, nên hạn chế lượng chất béo bão hòa dưới 10% lượng calo hằng ngày. Hạn chế các thực phẩm như thịt mỡ, đồ chiên rán, sản phẩm từ sữa nguyên kem, xốt kem, thịt chế biến sẵn…
Thực phẩm giàu đường bổ sung
Thực phẩm giàu đường bổ sung có thể dẫn đến tăng cân, kháng insulin, ảnh hưởng đến kiểm soát huyết áp. Tiêu thụ đường trong thời gian dài liên quan đến tăng mỡ bụng – yếu tố nguy cơ cao huyết áp. Đường cũng có thể làm tăng đột biến đường huyết, gây căng thẳng tim mạch và viêm nhiễm.
Theo hướng dẫn chế độ ăn uống 2020-2025 cho người Mỹ, lượng đường bổ sung chỉ nên chiếm dưới 10% lượng calo hằng ngày. Giảm đường hỗ trợ kiểm soát cân nặng và huyết áp. Một vài món ăn nên hạn chế như sữa chua có nhiều đường, siro, bánh ngọt, kẹo, trái cây đóng hộp…
Thức uống có đường
Thức uống có đường liên quan đến nguy cơ cao huyết áp. Chúng có thể gây tăng cân và kháng insulin, làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Hàm lượng đường cao cũng có thể làm đường huyết tăng đột biến, gây hại cho sức khỏe mạch máu.
Hãy chọn nước lọc thay vì đồ uống có đường để cải thiện kiểm soát đường huyết, hỗ trợ mức huyết áp khỏe mạnh hơn.
Đồ uống có cồn
Việc tiêu thụ đồ uống có cồn, nhất là khi tiêu thụ quá mức, có thể góp phần gây ra huyết áp cao. Khi bạn sử dụng đồ uống có cồn, các mạch máu thường thư giãn, và huyết áp của bạn có thể giảm tạm thời.
Tuy nhiên, sau khi uống một lượng lớn hoặc uống trong một thời gian dài, huyết áp của bạn có thể tăng trở lại, thậm chí có thể cao hơn so với trước đó. Đồ uống có cồn cũng có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm cả những thuốc có thể ảnh hưởng đến huyết áp.
Một số loại thực phẩm đông lạnh
Trong khi thực phẩm đông lạnh có thể tiện lợi khi cần, nhiều loại chứa các thành phần có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của tăng huyết áp. Các thực phẩm siêu chế biến như bữa ăn đông lạnh thường chứa hàm lượng natri và chất béo cao, đồng thời có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Tiêu thụ quá nhiều natri có thể khiến cơ thể giữ nước, làm tăng thể tích máu và dẫn đến tăng huyết áp. Hãy chọn các thực phẩm tươi, giàu dinh dưỡng và ít natri để hỗ trợ kiểm soát huyết áp tốt hơn.
Thực phẩm nhiều cholesterol
Thực phẩm giàu cholesterol như gà rán, thịt xông khói, nội tạng động vật… có thể ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp, góp phần gây xơ vữa động mạch (tích tụ mảng bám làm thu hẹp và cứng động mạch).
Nghiên cứu cho thấy mức cholesterol cao có thể dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, cho thấy việc tiêu thụ cholesterol lâu dài có thể làm huyết áp tăng. Các thực phẩm này cũng thường chứa chất béo bão hòa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Đồ ăn nhanh
Đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo như khoai tây chiên, các món chiên… có thể cản trở nỗ lực cải thiện huyết áp. Loại thực phẩm này thường chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, góp phần làm tăng cân không mong muốn, tăng cholesterol và gây viêm cơ thể. Chúng cũng chứa lượng natri đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp.
Đồ ăn nhẹ đã qua chế biến và đóng gói
Đồ ăn nhẹ đã qua chế biến và đóng gói có thể góp phần gây ra huyết áp cao vì chúng thường chứa nhiều natri, đường bổ sung và chất béo không lành mạnh. Đồ ăn nhẹ đóng gói thường có hạn sử dụng lâu dài bởi thường có những hợp chất chứa natri để làm chất bảo quản.
Nhiều đồ ăn nhẹ cũng thiếu những chất dinh dưỡng thiết yếu, khiến bạn phải ăn nhiều để thấy no hơn. Một vài đồ ăn nhẹ cần hạn chế khi bạn muốn kiểm soát huyết áp như khoai tây chiên, bánh quy đóng gói, bỏng ngô, kẹo, đồ ăn nhẹ có vị phô mai…
Hướng dẫn từ chuyên gia dinh dưỡng rất quan trọng với bệnh nhân
Thói quen sống, bao gồm chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, giảm căng thẳng trong cuộc sống và chất lượng giấc ngủ đều ảnh hưởng đến huyết áp. Nếu huyết áp vẫn cao dù đã thay đổi lối sống, bạn có thể cần sự hỗ trợ của bác sĩ và thuốc.
Những người có tiền sử bệnh phức tạp và nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt nên tìm kiếm sự hỗ trợ cá nhân hóa từ chuyên gia dinh dưỡng để lập kế hoạch bữa ăn phù hợp.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các vấn đề liên quan đến thuốc. Nếu gặp triệu chứng bất lợi từ thuốc huyết áp, bạn nên đến bác sĩ ngay lập tức.
Hướng dẫn từ chuyên gia y tế và chuyên gia dinh dưỡng có thể rất hữu ích trong việc giảm huyết áp hoặc ngăn ngừa tăng huyết áp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-mon-an-nen-tranh-khi-mac-huyet-ap-cao-20241202101240096.htm