Cựu danh thủ người Hà Lan Ruud Van Nistelrooy vừa có vài trận dẫn dắt CLB cũ M.U trong vai trò HLV tạm quyền, rất thành công. Và bây giờ, ông đã được bổ nhiệm làm HLV chính thức ở CLB Leicester. Trước đó không lâu, M.U chọn Ruben Amorim, HLV nổi tiếng đến mức không cần giới thiệu nữa. Ở đây chỉ xin nhắc lại: Amorim cũng là tuyển thủ Bồ Đào Nha từng 2 lần dự VCK World Cup. Xabi Alonso (Tây Ban Nha) thì vừa đi vào lịch sử làng bóng Đức với chức vô địch Bundesliga đầu tiên cho Leverkusen ở mùa bóng trước.
Zinedine Zidane thì đã là một tượng đài, là HLV duy nhất trong lịch sử 3 lần liên tiếp vô địch Champions League (với Real Madrid). Pep Guardiola còn dữ dội hơn: có lẽ đây là HLV xuất sắc và nổi tiếng nhất thế giới! Đâu là điểm chung giữa những Guardiola, Zidane, Amorim, Alonso, Van Nistelrooy? Họ (và nhiều HLV khác nữa) đều là cựu danh thủ (ít nhất cũng phải được vào ĐTQG) thi đấu cùng thời, hoặc chỉ khác biệt vài năm, so với “thế hệ vàng” của bóng đá Anh. Vậy, “thế hệ vàng” huấn luyện thế nào?
Gary Neville chỉ trụ được 4 tháng trước khi bị Valencia sa thải (giữa mùa bóng 2015-2016). Ông không có chiến thắng nào trong 9 trận đầu tiên, trong đó có trận thua Barcelona 0-7. Từ đó đến nay không ai mời Neville huấn luyện nữa. Wayne Rooney thì cố mãi vẫn chưa bao giờ vươn nổi lên đẳng cấp cao. Hơn 4 năm qua, ông chỉ được cầm quân ở Derby County, DC United, Birmingham City, Plymouth Argyle (đội bóng hiện tại, theo hợp đồng đến năm 2027). Steven Gerrard hiện đang dẫn dắt CLB
Al-Ettifaq ở giải Saudi Pro League (Ả Rập Xê Út). Trước đó, ông bị sa thải sau 1 năm dẫn dắt Aston Villa và đoạt chức vô địch Scotland 1 lần trong 3 năm dẫn dắt Rangers. Frank Lampard vừa ký hợp đồng dẫn dắt Coventry ở giải hạng nhì của Anh. Đấy cũng là đẳng cấp mà Lampard khởi nghiệp vào năm 2018 (với Derby County). Ở cả hai đội ngoại hạng là Chelsea và Everton, Lampard đều bị sa thải trong nửa đầu mùa bóng thứ hai.
Michael Carrick hiện đang huấn luyện lần đầu tiên (dẫn dắt đội hạng nhì Middlesbrough, từ năm 2022). Paul Scholes từng huấn luyện đội Oldham Athletic ở giải… hạng tư của Anh. Ông từ chức sau 8 trận, với thành tích chỉ thắng 1 trận. John Terry, Michael Owen, David Beckham, Rio Ferdinand… đều chưa bao giờ thật sự huấn luyện (không tính công việc ở các đội trẻ hoặc chức danh trợ lý).
Suy cho cùng, cũng chẳng còn bao nhiêu HLV người Anh tồn tại trong làng bóng đỉnh cao. Nhưng nhìn vào thế hệ vàng thì càng ảm đạm. Lampard luôn chỉ trích những ai gọi ông và các tuyển thủ cùng thời là… “thế hệ vàng”. Họ phải gánh vác một áp lực nặng nề. Đội tuyển Anh hầu như không có thành tích gì cao (chưa bao giờ được đá một trận chung kết, có lúc còn bị loại khỏi VCK EURO) khi những Gerrard, Lampard, Beckham, Scholes, Owen, Rooney, Terry… còn thi đấu ở đỉnh cao phong độ. Tài năng đầy ắp, nhưng họ đều không thuộc mẫu cầu thủ có tư duy chiến thuật tốt. Bóng đá Anh quá đơn điệu với cách chơi theo sơ đồ 4-4-2 cũ kỹ. Ngôi sao thì thiếu trải nghiệm ở những môi trường bóng đá khác nhau (tuyệt đại đa số chỉ đá ở Anh). Cái “tôi” của họ quá lớn nên không phát huy được giá trị đồng đội nào. Phải chăng chính những đặc điểm ấy của “thế hệ vàng” đã ngăn cản họ thành công trong nghề huấn luyện?
Nguồn: https://thanhnien.vn/the-he-vang-bong-da-anh-di-dau-ca-roi-185241201215512353.htm