Cục Đường thủy nội địa VN tăng cường giải pháp kiểm soát chặt điều kiện an toàn và quản lý, thúc đẩy vận tải phát triển.
Kiểm soát chặt điều kiện an toàn, tải trọng
Mới đầu giờ sáng, tại Đại diện cảng vụ đường thủy nội địa Hoàng Thạch (Uông Bí, Quảng Ninh) đã bận rộn, các nhân viên người tiếp, làm thủ tục cho phương tiện rời bến với thuyền trưởng, người ra bến kiểm tra các điều kiện an toàn về phương tiện, thuyền viên theo quy định.
Anh Phạm Hồng Quân, Phó trưởng đại diện cảng vụ nội địa Hoàng Thạch cho biết, đơn vị được giao quản lý hơn 20 cảng bến thủy nội địa trải dài 18km sông Mạo Khê, chủ yếu là các cảng bến phục vụ xếp dỡ mặt hàng như: xi măng, than, vật liệu xây dựng… nên khối lượng công việc hàng ngày lớn. Trung bình một tháng, đơn vị phải thực hiện thủ tục đến 400-500 lượt phương tiện ra vào bến, trong khi lực lượng mỏng.
Mặc dù vậy, nhằm tăng cường quản lý, tạo thuận lợi cho vận tải, đồng thời đảm bảo ATGT đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trên địa bàn, đại diện cảng vụ Hoàng Thạch luôn tập trung làm tốt công tác quản lý cảng, bến, phương tiện; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho các chủ cảng, bến, chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện…
Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến việc chấp hành các quy định của pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ tại các cảng, bến thủy nội địa; kiểm tra điều kiện an toàn của các phương tiện, thiết bị xếp dỡ hàng hoá như: Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký, Giấy chứng nhận an toàn…
Đối với phương tiện thủy, tàu biển, các cảng vụ viên cũng thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn trước khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa. Ngoài kiểm tra giấy tờ, tài liệu của phương tiện như: GCN đăng ký, GCN an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường, GCN khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên còn tập trung kiểm soát trọng tải hàng hóa được phép chở thông qua phiếu xuất kho, hóa đơn hàng, dấu vạch mớn nước an toàn… Qua đó giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước, giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông ĐTNĐ.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I cho biết, trong phạm vi quản lý của đơn vị trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương có tổng số cảng, bến được công bố là 55 cảng, 90 bến. Trong 11 tháng đầu năm 2024, các đại diện cảng vụ đã tiếp nhận 30.725 lượt phương tiện với khối lượng hàng hóa thông qua là 58,8 triệu tấn.
Cùng với thực hiện nhanh chóng các thủ tục cho phương tiện ra, vào cảng bến, đơn vị đặc biệt quan tâm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp, tham gia đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ; tập trung kiểm tra việc bốc xếp hàng hóa trên xe ô tô, sơ mi rơ moóc khi tham gia giao thông đường bộ đối với 9 cảng, bến trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Tăng cường quản lý, tạo thuận lợi vận tải
Ở khu vực phía Nam, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV Trần Văn Minh cho biết, đơn vị đã kiểm tra cấp phép cho 121.087 lượt phương tiện ra, vào cảng, bến, ứng với 33.205.740 tấn trọng tải toàn phần.
Bên cạnh tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn về phương tiện, người lái, đơn vị đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tiếp trong công tác cấp Giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa đối với phương tiện thủy nội địa để tăng cường quản lý, tạo thuận lợi vận tải.
Cùng đó tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra các đại diện cảng vụ trực thuộc về việc thực hiện quy trình cấp giấy phép cho phương tiện ra vào cảng, bến phải đảm bảo nhanh gọn, đúng thủ tục.
Ở cấp ngành, đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, vận tải ĐTNĐ năm 2024 tiếp tục tăng trưởng tốt. Về vận tải hành khách ước đạt 353,3 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2023 và 7,87 tỷ lượt khách.km, tăng 11,4%. Về vận tải hàng hóa ước đạt 528,98 triệu tấn, tăng 11,2% so với năm 2023 và 118,87 tỷ tấn.km, tăng 9,5%.
Riêng tuyến vận tải qua biên giới Việt Nam – Campuchia, đến ngày 20/11/2024, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã cấp được 968 Giấy phép vận tải qua biên giới, trong đó có 150 giấy phép cấp cho phương tiện chở hàng nguy hiểm, 27 giấy phép cấp cho phương tiện chở khách, 791 giấy phép cấp cho phương tiện chở hàng khô/container.
Để đạt được kết quả này, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp trong quản lý, thúc đẩy vận tải. Trong đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; Hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 75/2014 quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa.
Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện các nội dung của đề án tuyến vận tải thủy kiểu mẫu ICD Quế Võ – Cảng biển Hải Phòng. Tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động của doanh nghiệp.
Cục ĐTNĐ Việt Nam đã phối hợp với Vụ Vận tải – Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN chức cuộc họp đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa với sự tham dự 180 doanh nghiệp vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và logistics trong cả nước. Qua đó lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy vận tải phát triển.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/van-tai-thuy-hieu-qua-nho-tang-cuong-quan-ly-dam-bao-an-toan-192241201105232138.htm